TV LCD 82" với đèn nền LED của Sony. (The registor) |
Đèn nền LED với hàng tá các ưu điểm nổi bật như cấu trúc gọn nhẹ, toả ít nhiệt, tiết kiệm điện năng so với đèn nền huỳng quang kiểu cũ... đã dần thâm nhập vào thế giới màn hình nhỏ bao gồm: di động, laptop, monitor và làm đèn chiếu cho máy chiếu. Nhưng mảng thiết bị hiển thị quan trọng rất cần LED nhưng cũng khó thực hiện nhất là các màn hình TV.
Theo tờ Digitimes, các màn hình LCD loại nhỏ thường yêu cầu số lượng đèn LED không nhiều khiến cho chi phí chế tạo thấp. Chẳng hạn, nếu là màn hình điện thoại di động chỉ cần 2-4 đèn LED. Chiếc monitor LCD tiên phong của NEC cũng chỉ cần tới 48 đèn LED (thông thường cần 55-100 đèn LED). Màn hình laptop cần 45 đèn LED. Tuy nhiên, với màn hình TV, số lượng đèn LED yêu cầu có thể lên tới 2.400 chiếc hoặc nhiều hơn. Màn hình càng lớn càng yêu cầu nhiều đèn LED.
Các màn hình LCD nói chung (kể cả monitor và TV) thông thường vẫn dùng đèn nền huỳnh quang. LCD luôn bị lép vế so với Plasma về khả năng thể hiện màu sắc. Một phần sự thua kém này được lý giải là do đèn nền chứa đựng nhiều nhược điểm. Thế giới màu sắc được tạo ra từ ánh sáng trắng của đèn nền. Nhưng áng sáng trắng của đèn huỳnh quang vốn không hoàn hảo, thiếu đồng đều. Mặt khác tuổi thọ của chúng cũng không cao.
*Thế giới TV tại CES 2006
*LED cách tân thế giới hình ảnh
*Màn LCD đèn nền LED đầu tiên
LNR460D - TV LCD Samsung đèn nền LED. (Cnet) |
Đèn nền LED giúp cải thiện hầu hết những nhược điểm đó, cho phép nâng cao đáng kể độ tương phản, bảng màu và tuổi thọ đèn nền. Riêng tuổi thọ đèn nền LED dài hơn được lý giải là: không như đèn huỳng quang chỉ có thể thay đổi độ sáng của màn hình bằng thay đổi cường độ đèn nền, đèn nền LED có thể thay đổi độ sáng của màn hình theo hai cách, tăng giảm cường độ sáng của các LED thành phần hoặc thay đổi số lượng đèn LED.
Các hãng sản xuất TV tên tuổi và chịu đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu phát triển sản phẩm như Sony, Samsung và LG Electronics đều đã có những sản phẩm sử dụng đèn nền LED làm nguồn sáng và dự tính cho thương mại hoá chúng ngay trong năm nay.
LNS8297DE - mẫu TV LCD 82" đèn nền LED được Samsung trình làng tại CES 2006. (Sound&visionmag) |
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, chi phí chế tạo đèn nền LED còn khá cao nên giá thành của khối đèn nền LED đội lên khá nhiều, gấp khoảng 3 lần phương án dùng đèn huỳng quang lạnh CCFL (một loại đèn nền huỳnh quang cải tiến). Tuy nhiên, khoảng cách giá cả này có thể được thu hẹp xuống còn 1,5 lần. Vì vậy TV đèn nền LED là đích đến của thị trường hi-end, được chờ đợi sẽ phổ biến trong năm nay.
Năm ngoái, Samsung đã phát triển một mẫu TV LCD 46 inch (model 46FS) trang bị đèn nền LED. Năm nay, ngay tại triển lãm hãng điện tử tiêu dùng CES 2006 ở Las Vegas vừa qua, Samsung cũng trình làng mẫu TV màn hình tinh thể lỏng 82, với tên gọi LNS8297DE, sử dụng đèn nền LED.
47LB1DRB - TV LCD 47" đèn nền LED của LG (Ubergizmo) |
Hãng đồng hương của Samsung, LG Electronics, gần đây cũng giới thiệu TV LCD 47, model 47LB1DRB, có thang màu được cải thiện 110% và hệ số tương phản đạt con số của mơ ước 25.000:1, tờ Displaybank cho biết. Bí quyết của LG là sử dụng đèn nền LED. Điều đáng chú ý là LG còn trang bị cho TV này chức năng Time Machine để điều chỉnh độ sáng của màn hình một cách thông minh hơn.
Cùng với một sản phẩm 46 ra mắt năm ngoái, hãng điện tử hàng đầu xứ hoa anh đào Sony cũng công bố sản xuất mẫu TV LCD 82 dùng đèn nền LED, sản phẩm hứa hẹn tiếp nhận cả kênh truyền hình độ nét cao ở Mỹ có tên gọi 'xvYCC'. Mỹ hiện là một trong những quốc gia tiên phong và có ngành truyền hình HDTV khá phát triển. Các sản phẩm của Samsung, LG, và Sony đều đã có mặt tại CES 2006 vừa qua.
Mẫu TV LCD 42" dùng đèn nền LED của ITRI. (Digitimes) |
Viện nghiên cứu phát triển TV cải tiến của Đài Loan ITRI cũng đã phát triển thành công mẫu TV LCD 42 dùng đèn nền LED. ITRI khẳng định họ chỉ cần tới 400 đèn LED và mỗi đèn đạt được hiệu suất sáng 25W/lumen. Tuy nhiên, sản phẩm của ITRI vẫn chỉ để trưng bày chứ chưa phải là thành phẩm thương mại. Chậm chạp hơn các hãng trên, viện này hứa hẹn sẽ sản xuất hàng loạt loại TV này vào năm 2007.
T.B. tổng hợp