Tai nạn đau lòng đã xảy ra tại Phú Yên làm 4 người chết và 3 người bị thương. Nguyên nhân là người lái xe không có bằng lái và say rượu. Kẻ phạm tội sẽ phải trả giá nhưng tôi muốn nêu ý kiến về những người đã, đang và sẽ còn giao các phương tiện giao thông vào tay người không đủ năng lực lái xe an toàn – những người không có bằng lái và đã uống rượu bia.
Giao xe cho người không có bằng lái (GPXL): Luật đã có quy định và chế tài nhưng lại chỉ chú trọng phạt chủ xe khi đã xảy ra tai nạn. Điều này không hợp lý và thiếu tính răn đe. Cùng là hành vi giao xe cho người không có GPLX nhưng tại sao gây tai nạn nghiêm trọng thì chủ xe có thể đi tù còn vượt đèn đỏ, lấn làn... thì hầu như không nhắc tới việc phạt chủ xe (ngoài việc bị giam xe) về hành vi giao xe cho người không có GPLX? Hành vi này là nghiêm trọng nên cần tăng mức xử phạt khi phát hiện dù có gây ra tai nạn hay không.
>> Bàn về câu 'Tôi rất ân hận' mỗi khi tai nạn chết người
Giao xe cho người đã uống rượu bia: Luật không quy định nhưng đó lại là hành vi có thực và cũng là hành vi nguy hiểm với xã hội. Một nhóm bạn đi nhậu và đều uống rượu bia, chủ xe xỉn hơn nên giao xe cho người "có vẻ tỉnh táo" lái xe (cứ cho là người đó có bằng lái). Đây không phải hành vi cá biệt nên cũng cần đưa vào luật và xử tương đương với hành vi giao xe cho người không có GPLX.
Khi tai nạn xảy ra, người giao xe thường hay "chối tội" rằng họ không giao xe mà là người lái xe tự ý "mượn". Để ngăn chặn, luật cần thêm quy định rằng "việc tự ý lái xe của người khác khi chưa được cho phép (bất kể quan hệ giữa họ) là tội trộm cắp tài sản".
Như vậy, khi Cảnh sát giao thông phát hiện người lái xe không có GPLX, họ có thể xử phạt một trong hai người là người giao xe và người lái xe. Cũng cần phân biệt là "người giao xe" khác với "chủ xe" vì chủ xe có thể giao xe cho người có GPLX, đang tỉnh táo nhưng người này lại giao lại xe cho người không có khả năng lái xe (không có GPLX, đã uống rượu bia).
>> Nhiều phụ nữ lái ôtô tông loạt xe máy - hiện tượng hay bản chất?
Như vậy, khi bị phát hiện, phải phạt người giao xe cho người vi phạm chứ không phải phạt chủ xe. Với các trường hợp rửa xe, gửi xe tại điểm đỗ, xe cơ quan... thì người chủ các cơ sở đó phải chịu trách nhiệm là người giao xe để họ tuyển nhân viên có GPLX và cấm NV say xỉn khi làm việc.
Xe hơi là phương tiện có độ nguy hiểm cao nếu xảy ra tai nạn, nên việc giao xe hơi vào tay người không có năng lực lái xe an toàn cần chế tài chặt chẽ, tăng mức độ phạt (phạt tiền và phạt tù) để giảm bớt những tai nạn như vừa xảy ra tại Phú Yên.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.