Với giọng gay gắt, ông Dương Trung Quốc, đặt câu hỏi thông tư 02 ngay từ khi ra đời (đầu năm 2003) đã vấp phải sự phản đối của người dân, nhiều đại biểu Quốc hội cũng lên tiếng nhưng cơ quan soạn thảo không tiếp thu. Từ dẫn chứng cụ thể trên, đại biểu Quốc kiến nghị Quốc hội phải giám sát chặt các văn bản pháp luật được ban hành. Với những văn bản vi phạm hiến pháp, trái luật phải xử lý nghiêm với cơ quan ban hành.
Tán đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Đình Lộc nêu lên một ví dụ khác về việc thông tư, nghị định trái luật. Đó là quy định mới đây của Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã thu hẹp diện được hưởng trợ cấp của người trên 90 tuổi. Đẩy vấn đề đi xa hơn, đại biểu Lộc đề nghị Chính phủ xem xét lại mức trợ cấp quá thấp: 45.000 đồng/tháng đối với người trên 90 tuổi không có thu nhập.
Theo đại biểu Mã Điền Cư, đang xảy ra tình trạng, cơ quan khi được giao chủ trì soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật thường có khuynh hướng đưa ra những quy định tạo sự thuận lợi cho hoạt động của ngành mình hoặc lĩnh vực mình quản lý. Thậm chí việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ đặt Quốc hội trước việc đã rồi.
Luật ra đời 10 năm chưa có văn bản hướng dẫn
"Hôm nay chúng ta mới giật mình thấy rằng có những luật ra đời được 10 năm chúng ta còn chưa hoàn chỉnh hệ thống pháp luật hướng dẫn thực hiện. Nếu trong xây dựng quy hoạch treo làm khổ dân như thế nào thì trong luật pháp những Bộ luật treo, thực chất là Bộ luật chưa hướng dẫn dân còn khổ hơn rất nhiều", đại biểu Dương Trung Quốc lên tiếng.
Lý giải về tình trạng văn bản nghị định, thông tư "lẽo đẽo" chạy theo luật, đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn cho rằng, nguyên nhân là cách làm luật khung nên nghị định phải nghiên cứu lâu. Để giải bài toán này, luật ra chi tiết hơn, thực hiện được ngay không cần phải ra nghị định hoặc ra nghị định chỉ một số điều cần thiết.
Thường xuyên theo sát, thẩm tra các dự luật, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, nếu như luật cứ chung chung như vậy thì không có luật còn hơn. Tuy nói quyền lập pháp là của Quốc hội, thông qua luật là của Quốc hội nhưng Quốc hội lại nhường một phần rất quan trọng quyền đó cho các cơ quan khác.
"Quốc hội thông qua luật mang tính chung chung, quá nhiều khoản quy định Chính phủ ban hành Nghị định. Như vậy, luật muốn thực hiện thì phải chờ nghị định, nghị định lại chờ thông tư. Đấy là chưa nói đến chuyện nhiều quy định trong nghị định, thông tư không phù hợp với tinh thần của luật thì càng phản tác dụng trong cuộc sống", ông Lý nói.
Từ những bức xúc trên, đại biểu Phan Trung Lý đề nghị, cơ quan nào trong luật đã chỉ ra là phải hướng dẫn thì phải hướng dẫn kịp thời. Nếu không hướng dẫn kịp thời thì phải chịu trách nhiệm về vấn đề đó. Nếu như luật đã ban hành và có hiệu lực, mà thực hiện gây thiệt hại cho quyền lợi của Nhà nước, cơ quan đó phải chịu trách nhiệm.
Việt Anh