Luật sư Bùi Hải Yến (Công ty Luật Sen Vàng) cho hay, hành vi hack, sử dụng trái phép Wi-Fi nếu làm gián đoạn việc truy cập hệ thống thông tin của chủ sở hữu sẽ bị nghiêm cấm theo Điều 7, Luật An toàn thông tin mạng.
Ngoài ra, sóng Wi-Fi phải mua để sử dụng nên cũng là tài sản theo quy định tại Bộ luật Dân sự. Việc hack rồi "dùng chùa" Wi-Fi của người khác là hành vi Trộm cắp tài sản.
Để xử lý hình sự hành vi này, cơ quan tố tụng phải định giá lượng Wi-Fi bị mất cắp lớn hơn 2 triệu đồng. Gói mạng tại các hộ gia đình thường ở mức 200.000-300.000 đồng/tháng nên "phải dùng trộm cả năm may ra đủ gây thiệt hại 2 triệu đồng", theo luật sư.
Về hành chính, việc "dùng chùa" Wi-Fi là hành vi trộm cắp nên có thể bị xử phạt 1-2 triệu đồng theo Điều 15 Nghị định 167/2013. Đặc biệt, ai đã bị xử phạt nhưng tiếp tục tái phạm sẽ bị xử lý hình sự kể cả khi giá trị nhỏ hơn 2 triệu đồng.
Trong trường hợp của anh Xuân, nếu xác định chính xác hàng xóm câu trộm Wi-Fi, anh có thể yêu cầu cơ quan công an xử phạt hành chính. Khi đó, hàng xóm sẽ có tiền sự về hành vi trộm cắp và chỉ cần tái phạm sẽ bị xử lý hình sự, không cần biết giá trị dung lượng Wi-Fi trộm được là bao nhiêu.
Muốn vậy, anh Xuân phải đưa ra chứng cứ về việc hàng xóm dùng trộm Wi-Fi rồi lập vi bằng hoặc xin nhà mạng xác nhận thông tin truy cập, "địa chỉ" Mac của từng thiết bị kết nối...
Luật sư Yến cho rằng, lập vi bằng sẽ mất chi phí; còn nhờ nhà mạng hỗ trợ, chưa chắc họ đồng ý và nếu có cũng mất thời gian trong khi "tài sản bị mất giá trị không nhiều". Cách tốt nhất, anhXuân nên nhờ chuyên gia hoặc người am hiểu giúp mình áp dụng các biện pháp kỹ thuật, ngăn chặn người khác hack Wi-Fi.
Song Minh