Tại hội thảo quốc tế về môi trường và tài nguyên diễn ra sáng nay ở TP HCM, thống kê của Sở Tài nguyên môi trường, lộ trình đến năm 2020 thành phố chỉ có khoảng 10 dự án xử lý rác, nước thải được doanh nghiệp đăng ký. Dự án lớn nhất hiện nay là sản xuất điện từ rác ở bãi Đa Phước sau nhiều năm vẫn chưa triển khai vì vướng chi phí về giá bán điện chưa đạt thỏa thuận theo yêu cầu chủ đầu tư.
"Rác hiện vẫn là một trong những bài toán hóc búa nhất đối với nhà quản lý tại TP HCM", Giám đốc Sở Khoa học công nghệ TP HCM Phan Minh Tân thừa nhận.
Theo ông Tân, để có lợi nhuận kép, đã đến lúc phải kêu gọi nhà đầu tư bắt tay vào dự án tái chế sản phẩm từ rác. Biến rác thành phân hoặc các sản phẩm có thể tiêu thụ trên thị trường và phải đảm bảo khi kinh doanh, các doanh nghiệp sẽ thu được lãi.
Tuy nhiên, doanh nghiệp nếu đầu tư vào xử lý rác như một ngành kinh doanh thì chưa sinh lãi, chính sách ưu đãi lại chưa hợp lý... khiến nhiều đơn vị ngần ngại không dám đầu tư vào các dự án môi trường. "Hiện thành phố đã có lộ trình khoa học kỹ thuật trong công tác xử lý rác, nhưng muốn ứng dụng lộ trình này, nhà nước cần quan tâm hơn nữa về các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư như cấp đất, giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị...", ông Tân đề xuất.
Xử lý mùi tại bãi rác Đa Phước - TP HCM. Ảnh: Thiên Chương. |
Phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường TP HCM Nguyễn Văn Phước nêu quan điểm, không chỉ rác, nguồn nước sông tại Sài Gòn cũng là vấn đề đáng được lưu tâm. Theo kết quả phân tích chất lượng cuối năm 2007, nước sông Sài Gòn hiện trong tình trạng ô nhiễm hữu cơ gồm dầu và vi sinh. Đặc biệt độ ô nhiễm vi sinh vượt gấp 15 lần tiêu chuẩn cho phép. "Thực trạng này rất cần đến sự đầu tư của các công trình khoa học nghiên cứu việc xử lý nước, trong khi đó, dự án tham gia hiện vẫn nằm trên đầu ngón tay", ông Phước nói.
Bà Đỗ Hồng Lan Chi, Trưởng ban Khoa học công nghệ Đại học Quốc gia, cho rằng, ngoài việc xử lý hiệu quả, Việt Nam phải hướng đến chuẩn môi trường quốc tế bởi đây cũng là định hướng nghiên cứu và quản lý chung của thế giới.
Vấn đề được bà Chi quan tâm là mức ô nhiễm sau khi xử lý chất thải, nước thải. Theo bà, quy trình xử lý rác, nước thải chỉ thành công khi không tiếp tục gây hại đến môi trường bằng hình thức khác. Chính vì thế cần phải có sự quan trắc, đánh giá về vấn đề này.
Ngoài các vấn đề trên, hội thảo, do Viện Môi trường tài nguyên và Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức, cũng hướng đến quy hoạch môi trường đô thị và khu công nghiệp, nhằm tạo ra một Việt Nam sạch đẹp hơn.
Ông Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Môi trường và tài nguyên, cho biết, hội thảo còn là cơ hội để các nhà khoa học trên thế giới hiểu biết tốt hơn các nhu cầu thực tế của Việt Nam, tham quan thực tế và các cơ sở nghiên cứu đào tạo trong nước để có sự đầu tư phù hợp.
Nhiều nhà đầu tư công nghệ cũng đã giới thiệu những thành tựu khoa học có thể ứng dụng vào việc xử lý môi trường như: Dự án thiết kế và xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải, đánh giá môi trường của Trung tâm nghiên cứu dịch vụ công nghệ môi trường ETC; Thiết bị đo đạc chất lượng nước của Công ty Trường Gia Anh; Máy nguyên phổ hấp thu nguyên tử của Công ty cổ phần thiết bị Sài Gòn; Hệ thống xử lý nước biển, nước thải thô của tập đoàn Pall của Mỹ...
Thiên Chương