Ông Phạm Văn Tâm, trưởng phòng Văn hóa Thông tin (VHTT) huyện Bát Xát, cho biết, ngày 6/3 lán nghỉ của anh A Hờ đón hơn 100 khách, khi công suất phục vụ tối đa là 80 người. Việc quá tải khách dẫn đến tình trạng thiếu chỗ ngủ cho porter và bát, đũa phục vụ ăn uống. Sau khi nhận được khiếu nại từ du khách, phòng đã mời anh A Hờ cùng đại diện UBND xã Y Tý làm việc.
Anh A Hờ giải trình mình trực tiếp nhận 3 đoàn khách qua điện thoại, tổng cộng 45 người cả porter. Sau đó, em trai anh nhận thêm khách, chỉ báo "vài người", nhưng thực tế đoàn có đến hơn 30 người. Do ở Lảo Thẩn không có sóng điện thoại, việc đăng ký khách ở chỉ được xác nhận thông qua bộ đàm của kiểm lâm, nên rất khó để chủ lán báo hủy hoặc dừng đón khách. Ngoài ra, một số đoàn khách không đặt trước nhưng đã lên núi và trực tiếp đến lán, vì vậy anh không hoàn toàn nắm được tình trạng quá tải.
Sau buổi làm việc, phương án được đưa ra là các chủ lán phải đăng ký, công bố công suất phục vụ và cam kết không nhận quá số lượng đã đăng ký. Cụ thể, ở Lảo Thẩn, công suất của lán A Hồ và A Hờ 80 là người; tại Ky Quan San, lán Muối và lán trong 100 người, lán Sùng Trừ 30 người; tại Nhìu Cồ San, lán A Dơ 70 người.
Ngoài ra, các chủ lán phải tiến hành khai báo tạm trú cho các trường hợp khách lẻ với các cơ quan chức năng. Với các trường hợp khách đi tour qua các đơn vị lữ hành, đại diện công ty hoặc đơn vị có trách nhiệm khai báo. Các lán phải có nội quy, bảng giá để đảm bảo thông tin minh bạch và trải nghiệm của du khách - tránh trường hợp hát hò, tiệc tùng quá khuya ảnh hưởng tới những đoàn khách khác. Ngoài ra, các chủ lán, porter cần đảm bảo giữ gìn vệ sinh rừng, nguồn nước.
Ông Tâm cho biết, hiện nay các lán nghỉ trên cung Lảo Thẩn do người dân tự dựng lên. Dù đây là hoạt động tự phát nhưng đều có sự tham gia quản lý của các cơ quan chức năng.
Trong năm nay, phòng VHTT sẽ tham mưu để thiết lập Lảo Thẩn thành điểm du lịch cấp tỉnh, để xây dựng các điểm phục vụ du khách có quản lý chuyên nghiệp. "Vì việc thông tin qua điện thoại ở Lảo Thẩn còn khó khăn, các chủ lán cũng chưa biết chữ hoàn toàn, mong du khách yêu quý địa phương khi tới đây hãy đặt dịch vụ trước, để người dân chuẩn bị chu đáo", ông nói.
Anh Phan Sỹ Duy (Thái Nguyên), du khách khiếu nại sự việc cho biết, ngày 6/3 anh tổ chức đưa nhóm bạn tới Lảo Thẩn. Đây cũng là lần thứ hai anh tới đây. Anh đã đặt chỗ nghỉ với anh A Hờ và porter qua điện thoại từ 3 ngày trước. Tuy nhiên, khi tới nơi thì anh mới biết lán đón quá đông khách. Riêng trong lán có khoảng 100 người, một số porter phải ra ngoài tìm chỗ nghỉ. Anh cùng các bạn đắp chung hai người một chăn. Đồ ăn uống dù đã đặt trước nhưng các món cũng không đúng theo yêu cầu. Các đoàn đến sau phải đợi đoàn trước ăn hết mới có đủ bát đũa.
Do anh A Hờ không có mặt tại lán nghỉ, nên ngay khi xuống núi nam du khách đã phản ánh lại việc này. Nhưng cảm thấy chủ lán không có tinh thần cầu thị, anh Duy đăng bài phản ánh lên các hội nhóm vào ngày 8/3. Anh hy vọng, sau sự cố này các chủ lán cùng cơ quan chức năng sẽ có các biện pháp để đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn cho du khách.
Lan Hương