Theo thông tin bạn cung cấp thì có thể xác định các tiểu đó là mộ vô chủ. Việc di dời số mộ vô chủ này phải tuân thủ các quy định của pháp luật, đồng thời người thực hiện cần tham khảo phong tục tập quán ở địa phương.
Về phong tục, tập quán, bạn có thể tìm hiểu qua cộng đồng dân cư. Trường hợp những phong tục đó trong khả năng thực hiện của bạn thì bạn có thể áp dụng. Trường hợp vượt quá khả năng hoặc hàm chứa yếu tố mê tín dị đoan thì bạn có thể từ chối thực hiện. Trên thực tế, khi thực hiện các dự án xây dựng, cầu đường thì đã phát hiện không ít mộ vô chủ, được chủ đầu tư di dời về nghĩa trang được nhà nước đầu tư, xây dựng (nghĩa trang công).
Về pháp luật, hiện nay các quy định về việc phát hiện, di dời mộ vô chủ chưa được quy định một cách rõ ràng. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP. Theo đó, nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ phải di chuyển khi:
a) Gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan nghiêm trọng không có khả năng khắc phục, ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng, không còn phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch nghĩa trang vùng tỉnh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Phục vụ các dự án phát triển đô thị, công nghiệp và các công trình công cộng theo quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
c) Mộ vô chủ hoặc không còn thân nhân chăm sóc.
Về trình tự thực hiện, bạn có thể nhờ UBND xã niêm yết, thông báo tìm người thân của số mộ vô chủ đó. Thời hạn niêm yết thông thường là 15 ngày. Hết thời hạn này mà không có ai đến nhận thì bạn có thể tiến hành việc di dời. Việc di dời phải bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.
Về nghĩa trang, bạn có thể liên hệ với các nghĩa trang do nhà nước quản lý trên địa bàn để đề nghị, xem xét tiếp nhận. Trường hợp được chấp nhận thì bạn có thể phải thực hiện một số nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội