Những chứng cứ mà đại diện VKS tỉnh đưa ra để buộc tội các bị cáo về việc trong thời gian bán vé qua cầu đã không thực hiện xé vé mà thu tiền trực tiếp như: Quá trình xác minh, cơ quan điều tra đã bắt quả tang 12 xe quá tải trọng qua cầu nhưng không xuất trình được vé. Lời khai của 24 tài xế, lơ xe đều cho thấy họ có đưa tiền cho nhân viên thu phí, trong đó có cả xe quá tải, quá khổ.
Cũng theo Viện, tuy hình thức khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra khác nhau nhưng nội dụng đều bộc lộ hành vi tham ô tài sản. Ngoài ra, nhiều chứng từ, giấy tờ liên quan đến quá trình tham ô, các bị cáo đã khai nhận các khoản chi phí này dùng vào việc bồi dưỡng, tiếp khách… Đồng thời, theo lập luận của đại diện VKS chính việc các bị cáo khắc phục hậu quả của vụ án là cơ sở để khẳng định hành vi phạm tội của các bị cáo.
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Minh Tâm. |
Do đó, đại diện VKSND tỉnh đã đề nghị tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm mà tòa án nhân dân thị xã Thủ Dầu Một đã tuyên "trắng án" cho 16 bị cáo để xét xử lại.
Phía luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng, việc chỉ căn cứ vào các lời khai của các lái xe, lơ xe là đủ cơ sở để kết tội tham ô, mặt khác cơ quan tố tụng cũng không chứng minh cụ thể những thiệt hại mà các bị cáo đã gây ra.
Trước đó, Viện kiểm sát cáo buộc, vào năm 1995, Sở Giao thông vận tải Bình Dương giao thu phí theo chỉ tiêu hằng năm nên Võ Bảy, Đội trưởng đội thu phí cầu Phước Hòa (năm 2001 về đội Phú Cường) khoán định mức cho mỗi ca trực từ 2,5 đến 2,7 triệu đồng một ngày, nếu thu dư thì chia nhau. Tính cả 2 trạm thu phí, Bảy cùng các nhân viên chiếm đoạt số tiền 156,4 triệu đồng để chia nhau (người ít nhất 1 triệu đồng, cao nhất 8 triệu đồng). Tại phiên tòa sơ thẩm Viện đề nghị phạt bị cáo đầu vụ Võ Bảy 9 đến 10 năm tù và 15 bị cáo còn lại thấp nhất 7 năm, cao nhất 9 năm tù. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã tuyên 16 bị cáo vô tội.
Ngày 8/8, Viện đã kháng nghị toàn bộ bản án, đề nghị tòa án tỉnh Bình Dương tuyên các bị cáo phạm tội tham ô.
Ngày 14/11 tòa sẽ tuyên án.
Minh Tâm