Luật sư Vũ Tiến Vinh. |
- Thưa luật sư, pháp luật quy định thế nào về việc xử kín?
- Xử kín là một chế định đã được quy định ngay từ Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 1988 đầu tiên của nước ta. Việc quy định về xử kín là hoàn toàn hợp lý, vì lợi ích của xã hội, vì lợi ích của đương sự, thể hiện sự tôn trọng của pháp luật đối với nhân phẩm, danh dự của đương sự trong vụ án. Quy định này cũng phù hợp với hầu hết luật tố tụng hình sự của các nước trên thế giới.
Điều 18 Bộ luật Tố tụng hình sự: Việc xét xử của Tòa án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định.
Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì tòa án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai.
Theo quy định tại Điều 18 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 về nguyên tắc xét xử thì “Việc xét xử của tòa án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai”.
Tuy nhiên, cho đến nay, hai khái niệm “thuần phong mỹ tục của dân tộc” và “bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ” vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải thích một cách cụ thể, chi tiết để áp dụng được thống nhất.
Do vậy, trên thực tế để coi một vụ án có thuộc các trường hợp phải xử kín hay không chủ yếu dựa vào đánh giá chủ quan của cơ quan xét xử.
- Với vụ án Sầm Đức Xương đang xét xử, theo ông việc xử kín được vận dụng thế nào?
- Với các tội liên quan đến tình dục (như tội hiếp dâm, cưỡng dâm…) mà đặc biệt có bị cáo hoặc người bị hại là trẻ em gái, người chưa thành niên thì rõ ràng họ có thể bị ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự nếu vụ án được xét xử công khai. Do đó, nếu họ có đề nghị và có lý do chính đáng thì có thể được tòa án xử kín. Trên thực tế, các vụ án liên quan đến tình dục thường được xử kín.
- Những ai được tham gia phiên xử?
- Vụ án được xử kín thì chỉ có Hội đồng xét xử (gồm thẩm phán, hội thẩm nhân dân), kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng, người giam định, người phiên dịch được tham gia phiên tòa.
Các chủ thể khác như người thân của bị cáo, bị hại... không được tham gia phiên tòa.
- Theo luật, xử kín nhưng khi tuyên án phải công khai. Quy định này được hiểu như thế nào?
- Tuyên án công khai được hiểu là việc tuyên án đó không được thực hiện kín mà được tuyên cho mọi người cùng nghe. Quy định này đảm bảo rằng phán quyết của tòa án phải được công khai, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo được mục tiêu răn đe và phòng ngừa chung. Một điều quan trọng nữa của việc tuyên án công khai đó là bản án sẽ được nhân dân, xã hội giám sát nên việc phán xử không thể tùy tiện.
Chị Nguyễn Thị Thoa (39 tuổi, huyện Vị Xuyên, Hà Giang): Hôm nay tôi thấy có quá nhiều lực lượng bảo vệ ở tòa án, sẽ gây áp lực tâm lý cho hai nữ bị cáo mới bước vào tuổi 18. Các cháu lại không có luật sư, người nhà bên cạnh trong phiên xử, thực sự tôi rất lo. Tôi mong đường lối chính sách của Đảng và cán cân công lý xử đúng người đúng tội, không được để lọt phạm tội. Cán bộ phạm tội đến đâu phải chịu trách nhiệm đến đó.
|
Nhóm phóng viên