Các "ông lớn" làng mốt chung tay bảo vệ môi trường
Năm 2019, Hội đồng thời trang Thụy Điển (The Swedish Fashion Council) quyết định hủy Stockholm Fashion Week (ngày 27-29/8) vì lo ngại tác động môi trường. Động thái này chưa từng có trước đó vì sự kiện vốn hút khách khi tổ chức thường niên. Điều này cho thấy tinh thần bảo vệ môi trường của các tổ chức, "ông lớn" làng mốt lẫn khách hàng của họ.
Theo nghiên cứu của Liên Hợp quốc, ngành thời trang tạo ra 10% lượng khí thải carbon và gần 20% lượng nước thải toàn cầu. Ước tính 85% hàng dệt may trên thế giới kết thúc tại các bãi rác hoặc bị thiêu hủy. Nhiều chuyên gia nhận định: "thời trang mì ăn liền" (fast fashion) chiếm phần lớn sự lãng phí này.
Tại hội nghị G7 tháng 8/2019, 32 công ty thời trang lớn gồm Kering, Chanel và Inditex (công ty mẹ của Zara) cam kết với loạt sáng kiến môi trường, đồng ý loại bỏ nhựa dùng một lần và tìm kiếm nguyên liệu bền vững hơn vào năm 2030.
Cũng năm ngoái, Kering - công ty mẹ của Gucci, Balenciaga, Saint Laurent và các hãng xa xỉ khác - cam kết giảm lượng khí thải nhà kính bằng cách mua các khoản tín dụng carbon và cam kết trung lập carbon trên toàn công ty. LVMH và Burberry đang làm điều tương tự.
Thời trang thảm đỏ cũng góp phần lớn lượng khí thải carbon ra môi trường. Nhiều sao Hollywood đang cố thay đổi tình trạng này. Tài tử Joaquin Phoenix xuất hiện tại Lễ trao giải Quả cầu vàng hồi đầu năm trong bộ tuxedo của Stella McCartney và hứa sẽ mặc lại suốt mùa giải.
Nhà tạo mẫu Hollywood Jeanne Yang cho biết một số khách hàng của cô yêu cầu các trang phục bền vững khi họ đi thảm đỏ. Trong buổi ra mắt Aquaman, diễn viên Jason Momoa mang chiếc áo choàng Gucci thời Tom Ford (Tom Ford-era Gucci) mà Yang tìm thấy trên The RealReal.
"Tôi nỗ lực để không sử dụng thời trang ăn liền, ngay cả quần áo cho những đứa trẻ của tôi", Yang nói. Nhà tạo mẫu nung nấu ý tưởng thiết kế bộ đồ có thể mặc ba cách khác nhau nhằm giảm nhu cầu làm mới tủ quần áo thường xuyên của khách.
Các chuyên gia cho rằng lập tức thay đổi để ngăn chặn thảm họa hành tinh là rất khó. Điều mọi người có thể làm là mua ít hơn nhưng chất lượng tốt.
Maria Cornejo - nhà thiết kế của Zero + Maria Cornejo - đang sản xuất và tái sử dụng vật liệu chết lẫn sản xuất bền vững trong nhiều năm tại New York. Mục tiêu của cô là sáng tạo trang phục mà mọi người muốn mặc trong... nhiều thập kỷ.
Cùng quan điểm, Erin Lowenberg - Giám đốc sáng tạo của Rothy - giới thiệu danh mục mới hồi tháng 3 là mẫu túi xách được làm từ hỗn hợp nhựa đại dương và chai nước tái chế. Trước đó, công ty giày dép này chinh phục nhiều tín đồ thời trang với kiểu đế được giày được đan từ chai nước tái chế.
Tham gia vào nền kinh tế chia sẻ
Stephanie Benedetto chia sẻ về lợi ích quản lý tài chính và hàng tồn kho của Queen of Raw - nền tảng công nghệ mà cô là đồng sáng lập vào năm 2018 - nhằm giảm lượng vải vụn, khoảng 15% số vải cần cho mỗi hoạt động sản xuất. Hiện Queen of Raw phục vụ cho các công ty gia đình lẫn doanh nghiệp thời trang lớn. Benedetto ước tính hàng dệt may bỏ đi có thể trở thành doanh nghiệp trị giá 120 tỷ USD. "Tôi không bao giờ nghi ngờ việc bạn có thể thay đổi thế giới và chúng ta đều có thể", cô nói.
Hienj nhiều nơi trên thế giới đang "vật lộn" với tình trạng thiếu nước. Tín đồ denim cần biết thống kê của Liên Hợp Quốc: phải mất 10.000 lít nước để trồng một kg bông tương đương với một chiếc quần jeans. Levi Strauss & Co. đã lên kế hoạch hành động vì khí hậu để giảm 40% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu vào năm 2025 và 90% khí thải trong các cơ sở do họ sở hữu và vận hành. Từ đó, câu hỏi được nhiều người đặt ra là: một người nên có trong tủ đồ bao nhiêu chiếc quần jeans và cần thiết giặt thường xuyên hay không?
Bên cạnh đó, thay vì bỏ đi những món hàng không dùng đến, người tiêu dùng có thể trao đổi trên các trang bán lại như The RealReal, StockX, hoặc Joolux (Việt Nam). Điều này không chỉ giảm thiểu lượng lớn các mặt hàng thời trang thải ra môi trường, mà có thể giúp tín đồ làm mới tủ đồ của mình một cách kinh tế nhất.
"Cũng như rất nhiều sự thay đổi thân thiện với môi trường, giống việc sử dụng chai thủy tinh thay chai nhựa, sự thay đổi sẽ không dựa vào tương lai mà là quá khứ. Câu trả lời nằm trong chính tủ quần áo của chúng ta", tạp chí Elle nhận định.
Vân Bùi (theo Elle)
Joolux là sàn giao dịch hàng hiệu chính hãng đã qua sử dụng, nơi cộng đồng đam mê hàng hiệu Việt có thể tham gia ký gửi, mua bán các sản phẩm cùng loạt dịch vụ hỗ trợ như: kiểm định, cho thuê và sửa chữa, phục hồi hàng hiệu. Người tiêu dùng và độc giả có thể đóng góp ý kiến dưới mỗi bài viết để cùng chia sẻ, kết nối với cộng đồng yêu thích hàng hiệu và thời trang cao cấp. |