Theo thông báo hồi cuối tháng 9 của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, năm học 2022-2023, tỉnh này lần đầu dùng hình thức trắc nghiệm trong kỳ thi chọn học sinh giỏi chương trình THPT đại trà.
Trong 9 môn thi, chỉ có môn Văn thi tự luận, môn Tin học thi thực hành trên máy tính (mỗi môn 150 phút). Các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin, Văn, Sử, Địa, Tiếng Anh đều thi trắc nghiệm trong 90 phút. Với kỳ thi học sinh giỏi chương trình chuyên và chọn đội tuyển quốc gia, Vĩnh Phúc vẫn dùng hình thức tự luận.
TS Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP HCM), cho biết việc thi học sinh giỏi theo hình thức trắc nghiệm không mới. Trước Vĩnh Phúc, một số tỉnh như Thanh Hóa, Nam Định đã áp dụng cách thức này. Trên thế giới, hầu hết đề thi chuẩn hóa được thiết kế theo dạng trắc nghiệm.
Ông Dũng nhìn nhận để đánh giá thi trắc nghiệm có phù hợp hay không, cần căn cứ vào mục tiêu và đối tượng mà kỳ thi hướng tới. Chẳng hạn, với số lượng thí sinh lớn, vòng đầu tiên có thể thi trắc nghiệm, nhằm sàng lọc và làm căn cứ để chọn đội tuyển thi học sinh giỏi tỉnh và quốc gia. Theo ông Dũng, với nhóm học sinh không chuyên, Vĩnh Phúc có lý khi lựa chọn hình thức này.
Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên Sinh học, trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, nhận định thuận lợi khi sử dụng trắc nghiệm thi học sinh giỏi là thống nhất hình thức với thi tốt nghiệp THPT. "Học sinh chỉ cần ôn tập một dạng đề nhưng có thể tham gia nhiều kỳ thi. Điều này sẽ giúp các em có động lực thi học sinh giỏi hơn, giáo viên cũng được khích lệ tinh thần giảng dạy", thầy Công nói.
Tổ chức thi học sinh giỏi bằng trắc nghiệm từ năm 2021, Thanh Hóa đánh giá thay đổi này có nhiều ưu điểm hơn hạn chế. Bà Bùi Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, cho biết thi trắc nghiệm có thể kiểm tra được kiến thức rộng, giảm tỷ lệ học tủ, từ đó đánh giá học sinh chính xác hơn. Hình thức này cũng giảm thời gian coi và chấm thi, giảm kinh phí tổ chức và nguồn lực giáo viên tham gia.
Ông Đặng Công Hòa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, cho biết ngày càng nhiều phương thức được sử dụng trong xét tuyển đại học, trong đó, hơn 60 trường sử dụng kết quả đánh giá năng lực - kỳ thi được tổ chức theo dạng trắc nghiệm. Do đó, thi học sinh giỏi bằng trắc nghiệm sẽ giúp các em ôn tập, làm quen với cấu trúc đề thi, tạo thuận lợi khi đăng ký xét tuyển đại học bằng điểm thi đánh giá năng lực.
Tuy nhiên, việc tổ chức thi trắc nghiệm có nhiều thách thức, đặc biệt là xây dựng ngân hàng câu hỏi và cấu trúc đề thi.
Thầy Nguyễn Thành Công nhận định nhiều đề thi trắc nghiệm thiếu tính đổi mới, đa số câu hỏi vẫn ở mức nhận biết. Số lượng câu hỏi khó để đánh giá năng lực còn hạn chế, chưa toàn diện. Là giáo viên Sinh, thầy Công nói từng gặp nhiều đề thi mà những câu hỏi khó thường rời xa bản chất môn học.
Ngoài ra, khi đề thi chưa đảm bảo việc đánh giá năng lực, kết quả sẽ không chính xác, theo TS Trần Nam Dũng. Ông đánh giá thi trắc nghiệm chắc chắn có độ may rủi nhất định, nên câu hỏi phải được chọn lựa kỹ càng. "Một khi đề thi không tốt, học sinh giỏi và trung bình có thể đạt điểm như nhau", ông Dũng nói, cho rằng cần quy trình chặt chẽ trong việc xây dựng ngân hàng câu hỏi và thời gian thử nghiệm.
Ông Dũng lấy ví dụ từ kỳ thi SAT, trong mỗi đợt thi, hội đồng sẽ đưa thêm một vài câu hỏi thử nghiệm không tính điểm, nhằm kiểm tra tỷ lệ thí sinh trả lời đúng, độ may rủi, từ đó cân nhắc sử dụng các câu hỏi tương tự ở các đợt thi sau. "Việc đổi mới hình thức thi cần thời gian, sự kiên trì", ông nói.
Ông Đặng Công Hòa cũng nhận định việc này là thách thức với tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi tham khảo đề thi của một số địa phương, Vĩnh Phúc chủ trương sử dụng giáo viên cốt cán tại các trường THPT làm nòng cốt để thiết kế đề thi trắc nghiệm. Trước mắt, các giáo viên tập trung thiết kế và xây dựng ngân hàng câu hỏi để kịp cho kỳ thi đầu tiên vào tháng 12.
"Nếu câu hỏi chuẩn, đánh giá được năng lực học sinh, ngân hàng đề thi sẽ là nguồn tham khảo rất tốt cho học sinh, giáo viên", ông Hòa nói.
Với kinh nghiệm nhiều năm ôn luyện và tham gia thiết kế đề thi, thầy Công gợi ý nên dùng năm phương án trả lời cho mỗi câu hỏi trắc nghiệm để giảm yếu tố may rủi. Thậm chí, kỳ thi học sinh giỏi có thể áp dụng luật trừ điểm nếu trả lời sai (bỏ trắng không bị trừ), giảm tỷ lệ thí sinh khoanh bừa cho đủ. Thầy giáo Sinh học cũng cho rằng số lượng câu hỏi của đề phải bao quát đủ bốn mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, nhằm phân loại tốt học sinh.
Bà Bùi Thị Thanh cho biết để khắc phục những hạn chế của đề thi trắc nghiệm, tỉnh Thanh Hóa sử dụng linh hoạt nhiều phương án ra đề, ví dụ như xây dựng ngân hàng câu hỏi, trao đổi nguồn đề với các địa phương khác, thuê chuyên gia.
"Với hình thức nào, chúng tôi cũng đặt yêu cầu đảm bảo khách quan, khoa học, độ phân hóa cao để kết quả thu được chính xác", bà Thanh nói. Tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục dùng hình thức thi trắc nghiệm trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm 2022 và 2023. Từ năm 2024, khi chương trình phổ thông mới được triển khai với cả ba khối cấp THPT, căn cứ vào việc đổi mới thi học sinh giỏi, thi tốt nghiệp THPT, tỉnh sẽ cân nhắc điều chỉnh.
Dù vậy, các nhà giáo nhận định rất khó để thi học sinh giỏi quốc gia sử dụng hình thức này. "Câu hỏi tự luận đòi học sinh có kiến thức, tư duy và hàng loạt kỹ năng: giải quyết vấn đề, phân bổ thời gian hợp lý, trình bày rõ ràng, thuyết phục. Do vậy, thi tự luận là một công cụ khó có thể thay thế", thầy Công nói.
Thanh Hằng - Lê Hoàng