4 tháng trước, Ken đưa Megan về nhà sau 16 tiếng cô bé chào đời. Anh thậm chí còn cắt cuống rốn cho con. Thông thường, điều đó chẳng có gì đáng kể nhưng trường hợp của anh Ken Wehking (Colorado, Mỹ) lại khác khi người phụ nữ sinh ra Megan không phải là vợ hay bạn gái của anh. Ken là người đàn ông trung niên độc thân. Người phụ nữ ở Bệnh viện Colorado Springshospital là người đẻ thuê cho anh.
Ở tuổi 46, Ken là một thành viên của nhóm những người đàn ông dị tính độc thân nhờ tới bệnh viện sản để có con. "Tâm niệm của tôi mấy năm qua là cuộc sống cần được trải nghiệm", Ken nói khi ngồi bên bàn bếp trong nhà. Anh muốn có một gia đình từ rất lâu. Hơn nữa, anh muốn được làm bố - khao khát mà anh thấy khó thành khi hẹn hò với những phụ nữ cùng độ tuổi với mình. "Hầu hết phụ nữ trên 40 hoặc là đã có con hoặc không muốn có con nữa", anh nói.
Năm 2012, Ken bắt đầu tìm thông tin về việc nhận con nuôi với nam giới độc thân và anh thấy mình có nhiều điểm bất lợi với việc này. Như nhiều người đàn ông khác, anh cảm thấy mình bị kỳ thị, bị coi như một người không phù hợp với việc chăm sóc nuôi dạy trẻ. "Có vẻ như có rất nhiều trở ngại. Tôi đã 43 tuổi khi bắt đầu nghĩ tới điều này và không muốn phải đợi chờ cho một quá trình có khi kéo dài tới 5 năm", anh kể.
Năm sau đó, Ken quyết định đi tìm người mang thai hộ. Thu nhập của một kỹ sư phần mềm của anh có thể đáp ứng được các chi phí như tư vấn luật sư, chi trả người hiến trứng và người mang thai hộ, kiểm tra sức khỏe cho họ, quá trình thụ tinh, thăm khám bác sĩ - với tổng hóa đơn lên tới gần 150.000 USD.
Và một chuyến du thuyền tới Vancourver đã giúp anh củng cố quyết định của mình. Anh nghĩ, tiền nên dùng để trải nghiệm những gì cuộc sống mang tới. Với Ken, có con là một mối ưu tiên, và nhờ mang thai hộ là một cách giúp những đàn ông dị tính chưa vợ nhưng khao khát được hưởng hạnh phúc làm cha như anh hoàn thành ước nguyện.
"Bé chỉ khóc khi đói", Ken nói khi đang bế Megan trên tay, trong căn phòng anh trang trí đầy hình các chú chó hoạt hình cho con. Nghe tiếng sôi bụng của con, Ken nói "Ồ" rồi nhìn xuống cô con gái đã được ủ ấm của mình.
Xu hướng làm bố kiểu này là một "hiện tượng gần đây", theo Diane Hinson, nhà sáng lập và giám đốc Creative Family Connections, một công ty luật mà những người muốn làm cha mẹ có ý định nhờ mang thai hộ hay tìm đến.
Nói tới ông bố đơn thân, người ta thường hình dung một người đàn ông góa vợ nuôi con một mình, hay một ông chồng vừa ly hôn được xử có quyền nuôi con. Tuy nhiên, những thay đổi về mô hình gia đình truyền thống đã giúp một số nam giới độc thân muốn có con chấp nhận việc nhận con nuôi hay nhờ mang thai hộ như một lựa chọn.
"Nếu quay trở lại năm 2005, chúng tôi chưa có những khách hàng kiểu này", Hinson nói. Ngày nay, họ có một số khách là đàn ông độc thân. Và theo tổ chức về mang thai hộ Simple Surrogacy có trụ sở tại Texas (Mỹ), trong năm 2002, công ty của họ đã sắp xếp được khoảng 10 ca sinh kiểu này. Năm ngoái, họ đã thực hiện được 55 ca.
Quay trở lại trường hợp của Ken, khi đi tìm người sẵn sàng hiến trứng, anh đã bị một số người từ chối. "Với nam giới, thường xã hội khó chấp nhận việc họ đóng vai trò người chăm sóc chính trong gia đình", chuyên gia tâm lý học Gregory Payton, chủ phòng khám tại New York chia sẻ. Ông là một thành viên của mạng lưới hỗ trợ nam giới có con.
Là một ông bố đồng tính có hai con, anh Payton cũng đã quá quen với sự kỳ thị dành cho những người đàn ông - những người bị coi là không đủ năng lực nuôi dạy con. Nam giới cũng phải đấu tranh với sự lo ngại của xã hội rằng những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong các gia đình như họ có nguy cơ cao bị lạm dụng tình dục, theo một bài báo đăng trên tạp chí American Society for Reproductive Medicine năm 2006. Tuy nhiên, sau đó Hiệp hội tâm lý Mỹ đã thấy rằng những cáo buộc này là vô căn cứ sau khi xem xét các dữ liệu đã có.
Ken tự tin là anh sẽ vượt qua được những điều này, anh đã tìm tới một bệnh viện sản tại Colorado để gặp gỡ những người hiến trứng, soạn hợp đồng với sự tư vấn từ luật sư và tìm được một người mang thai hộ.
Thông qua bệnh viện, Ken được giới thiệu với một bà mẹ ở cách nhà anh vài dặm. Khi hai người gặp nhau - chồng và ba con của người phụ nữ này cũng có mặt trong phòng. Chị ta có chút ngượng ngùng, e dè. Đây là lần đầu tiên chị mang thai hộ. Nhưng Ken và người phụ nữ này dần gần gũi hơn qua thời gian, trao đổi tin nhắn cho nhau. Anh đã đưa chị đi khám bác sĩ. "Bây giờ chị ấy gần như một người dì", Ken nói. Anh đã tới thăm người mang thai hộ mình vài lần, từ ngày Megan chào đời.
Hai tuần sau đó, Kent gửi email cho các đồng nghiệp kể về việc anh đã có con. "Tôi biết mọi người rất ngạc nhiên", anh kể. Sau đó, anh tổ chức một bữa tiệc chào mừng em bé. Đó là cơ hội để giới thiệu bạn bè anh với người mang thai hộ cũng như xem phản ứng của họ về việc này. Mọi việc có vẻ bình thường. Buổi lễ diễn ra ở vườn nhà, giống như một buổi picnic, anh được tặng quà với đầy tủ quần áo, đồ chơi và những món đồ của em bé như địu trước bụng, thứ anh dùng để đưa Megan đi dạo trên những con đường quê. Những ngày này, một người trông trẻ gần nhà đến chăm Megan ba tuần một lần và những bạn bè khác cũng liên tục ngỏ lời muốn trông nom bé giúp anh.
Những tháng khi Megan sắp chào đời, Ken tham gia tất cả các lớp học về chăm sóc trẻ, thuê các DVD hướng dẫn cách chăm con, tham dự hội trại của các ông bố, nơi anh nhận được những hướng dẫn cụ thể cho việc chuẩn bị làm cha. Anh cũng thực hành việc thay tã cho các em bé thật. "Đó là lần đầu tiên tôi bế một em bé", anh thừa nhận.
Ngày Megan chào đời, anh ngồi bên con gái tại phòng sau sinh trong bệnh viện, nói chuyện với con và cho con ăn sữa mẹ của người đẻ thuê. Khi anh bế Megan, một cảm giác đầy trách nhiệm ngập tràn trong anh. "Tôi thích cảm giác ấm áp mình có được khi đó. Nhưng thực sự còn nhiều cảm giác khác xuất hiện trong tôi lúc đó, như tự đặt câu hỏi 'Mình phải làm gì tiếp theo?'", anh kể.
"Tôi đã xem rất nhiều video và học hỏi thật nhiều. Tôi tin mình có thể làm được mọi việc mà người mẹ làm", ông bố đơn thân bộc bạch.
Ken tâm niệm anh sẽ có mặt bên con nhiều hơn cha anh từng làm với các con khi anh còn bé. Hằng đêm, anh và Megan cùng xây đắp các thói quen, bao gồm đọc truyện Sherlock Holmes vào giờ đi ngủ, tắm buổi tối... Vào giờ tắm trước lúc lên giường, Megan thường kêu lên vui sướng khi được cha lau khô bằng khăn tắm. Sau đó, anh đặt Megan vào lòng và lấy lược chải mớ tóc rối của bé.
Vương Linh (Theo Psmag)