Liu Jiajie, 33 tuổi, ở Thâm Quyến đang tìm kiếm bạn đời trên mạng xã hội. Bố mẹ anh đang ở Hong Kong, nên người vợ tương lai có thể ở một trong hai địa điểm này. Anh là người đồng tính trong khi bố mẹ rất bảo thủ nên không dám thú nhận. Sức khỏe của họ đã yếu nên áp lực "thành gia lập thất" với con trai cũng tăng lên.
"Mối quan tâm lớn nhất của bố mẹ tôi bây giờ là khi nào tôi lấy vợ", Liu nói. Anh đang tìm kiếm một cô gái đóng vai người vợ trong vài năm. Chi phí phát sinh trong cuộc hôn nhân sẽ do cả hai bên gánh chịu. Đám cưới sẽ không nhận sính lễ hay hồi môn. Sau khi kết hôn mỗi người có cuộc sống riêng, ngoại trừ phải đối nội, đối ngoại. Trước mong muốn sinh con của cha mẹ, Liu đã nghĩ ra cách đối phó nói rằng bản thân bị vô sinh.
"Hôn nhân cái vỏ" hay "hôn nhân vô hình" là cụm từ người Trung Quốc gọi tên các cuộc hôn nhân kiểu của Liu Jiajie. Loại hình hôn nhân này thường xuất hiện ở những người đồng tính hoặc người không muốn kết hôn nhưng bị gia đình gây sức ép. Xu hướng này thịnh hành ở một số thành phố lớn, ví dụ Thâm Quyến.
Mô hình "hôn nhân vô hình" còn có dạng sâu sắc hơn. Hai người sẽ đăng ký kết hôn, sống chung và có con như mọi gia đình khác. Điểm khác biệt là hai người không hề yêu nhau, hôn nhân chỉ để đối phó.
Vợ chồng Trần Hàn thuộc mô hình này. Hai người gặp nhau trên mạng xã hội năm 2020 và đồng ý làm "hôn nhân vô hình". Họ chưa bao giờ ngủ chung nhưng đã có một đứa con bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF).
Trần nói bí quyết để hòa thuận là không quan tâm điều gì ngoài cuộc sống chung. Anh kiếm tiền và đầu tư vào kinh tế gia đình. Còn vợ dành nhiều thời gian cho con gái và gia đình hai bên. "Giữa chúng tôi tuy không có tình yêu nhưng giống một gia đình. Chúng tôi sẽ chăm sóc lẫn nhau khi ốm đau, nằm viện và con cái, bố mẹ", Chen nói.
Lin Yunhua, một người đồng tính nam, lại không may mắn như vậy. Anh đang muốn ly hôn nhưng vợ không đồng ý.
Lin và vợ, cùng là người đồng tính, đã thống nhất sẽ đăng ký kết hôn, sống chung và không sinh con. Tuy nhiên được một thời gian vợ anh hối hận. Cô thường xuyên bày tỏ mong muốn có con trước mặt bố mẹ chồng, khiến họ gây áp lực lên Lin.
Anh phản đối quyết liệt thì người vợ quyết định công khai "chồng là gay". Sự việc vỡ lở nhưng Lin nhận ra bố mẹ không khắt khe với "giới tính thứ ba" như anh nghĩ. "Hậu quả việc come out không bằng tác động tiêu cực của hôn nhân cái vỏ", anh nói.
Dù vậy, vợ Lin vẫn thành công ép được chồng làm IVF. Sau sinh, cô mang con về nhà ngoại, chỉ liên lạc với chồng khi đòi chi phí nuôi con. Lin ước tính vợ đã lấy của anh 500.000 tệ (1,7 tỷ đồng).
Một luật sư ở Thâm Quyến cho biết có nhiều vấn đề xảy ra trong "hôn nhân cái vỏ". Ông từng giải quyết trường hợp một người đàn ông song tính kết hôn với phụ nữ đồng tính. Người này đã vi phạm hợp đồng là can thiệp và cuộc sống người phụ nữ và tấn công tình dục cô.
Theo quan điểm của luật sư, việc thỏa thuận "không có quan hệ tình dục" và "không phải vợ chồng thực chất" là không có giá trị pháp lý nếu hai người đã lấy giấy kết hôn. Lúc này không thể xác định tội hiếp dâm nữa, chỉ có thể nộp đơn ly hôn với lý do không có tình cảm.
Ngoài ra, trên các nền tảng xã hội, nhiều người đăng tải và phẫn nộ cáo buộc các nhóm đồng giới "lừa dối hôn nhân", giả vờ là người dị tính trước khi kết hôn và bí mật có người yêu đồng tính sau khi kết hôn.
Giờ đây, "hôn nhân cái vỏ" còn nâng lên tầm cao mới: Trở thành nghề "hái ra tiền".
Xu Qin, 30 tuổi giới thiệu mình là phụ nữ đã ly hôn, có xe hơi và nhà ở Thâm Quyến. Cô chấp nhận làm hôn nhân giả có thu phí, đồng thời đóng vai trò trung gian, giới thiệu với các bên có nhu cầu.
Mức giá nhận giấy kết hôn là 20.000 tệ (70 triệu đồng). Nếu cả giấy kết hôn và khai sinh là 30-40.000 tệ. Cô cũng nhận đóng giả làm "vợ tương lai" để gặp gỡ bố mẹ của người đàn ông, thu phí 1.500-2.000 tệ mỗi lần.
Xu cho biết việc liên tục nhận giấy chứng nhận "kết hôn" và "ly hôn" không ảnh hưởng đến cuộc sống của cô. Bạn trai biết nghề nghiệp của cô và ủng hộ. Khi được hỏi về mức độ nguy hiểm của việc này, Xu cho biết: "Tôi làm chỉ để kiếm tiền thôi".
Bảo Nhiên (Theo QQ)