Thuật ngữ commuter marriages (hôn nhân di chuyển), mô tả vợ chồng sống ở các thành phố khác nhau để cân bằng giữa sự nghiệp và mục tiêu gia đình. Xu hướng này bắt nguồn từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đang dần trở nên phổ biến ở Trung Quốc, theo nghiên cứu của tạp chí China Youth Studies.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Tây An, tỉnh Thiểm Tây cho biết xu hướng phản ánh căng thẳng cảm xúc, sự mất cân bằng giới tính và áp lực gia đình. Hôn nhân di chuyển xảy ra phổ biến với giới trẻ ở các đô thị, trong đó, nhóm phụ nữ có trình độ học vấn cao chiếm đa số.
Nguyên nhân bao gồm tham vọng nghề nghiệp và tình trạng tài chính không ổn định. Vợ chồng thường chủ động sống xa nhau để theo đuổi các mục tiêu khác nhau trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh.
Tuy nhiên, hôn nhân ở xa thường đi kèm với căng thẳng, bất bình đẳng giới và giảm sút mong muốn sinh con. Họ thường kết hôn từ một đến 6 năm, các kỳ ly thân thường kéo dài từ hai tuần đến bốn tháng.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra công nghệ đã giúp họ kết nối nhưng không thể thay thế hoàn toàn sự tương tác trực tiếp, đặc biệt là những lúc khủng hoảng cá nhân hay gia đình.
Ví dụ, người phụ nữ 29 tuổi tham gia phỏng vấn nói sự vắng mặt của bạn đời trong thời điểm quan trọng làm giảm cảm xúc đáng kể. Ngoài công việc, cô phải đảm nhận vai trò làm mẹ, làm dâu.
Nghiên cứu cũng cho thấy hôn nhân di chuyển góp phần làm chậm quá trình sinh con, do áp lực tài chính và khoảng cách địa lý.
"Mô hình này có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh của Trung Quốc vốn đang giảm", báo cáo kết luận.
Xu hướng này đang tạo nên làn sóng tranh luận trên mạng xã hội Trung Quốc. Hashtag #commuter marriages đang thu hút hàng triệu lượt thảo luận trên nền tảng Weibo. Phần lớn ý kiến cho rằng tình yêu khó bền vững.
"Hy sinh sự gần gũi trong hôn nhân để phát triển sự nghiệp là mất mát cho cả hai", một tài khoản bình luận. "Lý do làm việc ở nơi khác chỉ để có cuộc sống tốt hơn".
Chính quyền các thành phố cũng đang đề xuất nhiều phương án cho vợ chồng phải ở xa. TP Hạ Châu, tỉnh Sơn Đông đưa ra chính sách "tái hợp" nhằm điều chuyển nhân viên trong doanh nghiệp nhà nước để giảm bớt căng thẳng của hôn nhân yêu xa.
Nghiên cứu của Đại học Tây An cũng gợi ý các chính sách nhằm giảm bớt căng thẳng cảm xúc, thúc đẩy vai trò giới bình đẳng, cung cấp nguồn lực tốt hơn cho sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình.
"Hôn nhân di chuyển vẫn là lựa chọn tạm bợ do thiếu hỗ trợ cấu trúc xã hội", báo cáo nêu.
Ngọc Ngân (Theo SixthTone)