Sau đại dịch Covid-19, du khách có xu hướng yêu chuộng và lựa chọn du lịch xanh. Xu hướng này cũng là cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến được lựa chọn hàng đầu, tạo ra nhiều trải nghiệm hấp dẫn, thân thiện với du khách quốc tế và thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Kết quả về xu hướng này được website Booking.com đưa ra dựa trên những thông tin được thu thập từ hơn 30.000 du khách đến từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm Việt Nam năm 2021. Trong đó đó, 88% người Việt Nam được hỏi trả lời du lịch bền vững là yếu tố quan trọng và mong muốn được đi du lịch bền vững trong tương lai.
Một khảo sát khác của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) tiến hành vào tháng 12/2021 cho thấy, xu hướng của khách du lịch Việt Nam quan tâm nhiều đến du lịch bền vững tại các vùng ven biển, du lịch khám phá thiên nhiên đứng thứ 2 và có hướng tăng lên nhiều so với lần khảo sát trước đây (từ 48% tăng lên 56%).
Như vậy, du lịch bền vững đang trở thành một trong những hướng phát triển ưu tiên hàng đầu của ngành du lịch Việt Nam. Để thu hút du khách cũng như giới đầu tư, nhiều tỉnh thành duyên hải miền Trung đang tích cực triển khai thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, trong đó Bình Định, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Nam... là những điểm sáng về phát triển du lịch xanh nhờ hội tụ nhiều lợi thế về biển đảo, văn hóa - lịch sử.
Được ví như "mặt tiền" của Việt Nam nhìn ra biển Đông, các tỉnh ven biển miền Trung, sở hữu bờ biển kéo 1.900km, chiếm gần 60% chiều dài bờ biển cả nước, từ Thanh Hóa tới Phan Thiết, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển và du lịch. Nhiều bãi biển miền Trung thu hút lượng khách du lịch ngày càng tăng trong những năm gần đây nhờ vẻ hoang sơ, môi trường cảnh quan thiên nhiên phong phú.
Tuy nhiên, nhiều địa phương trước đây phát triển du lịch ven biển một cách ồ ạt, chỉ tập trung mục tiêu lợi nhuận nên đã gây sức ép đối với tài nguyên thiên nhiên, làm suy giảm hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch thiếu tính bền vững ở các tỉnh thành phố ven biển dẫn đến sự gia tăng chi phí sinh hoạt đối với người dân địa phương. Tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn do tính chất du lịch biển và ven biển dựa vào tình thời vụ, gây mất cân đối việc làm trong ngành dịch vụ du lịch, ảnh hưởng thu nhập và đời sống người lao động.
Vì vậy, phát triển du lịch phải đảm bảo nguyên tắc bền vững, tiếp tục tái tạo và bảo tồn môi trường tự nhiên hay các giá trị văn hóa lâu đời. Tại Lễ Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính có đề cập đến việc thực hiện các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển bền vững. Theo đó, các địa phương và doanh nghiệp cần khai thác hợp lý các tiềm năng, giữ gìn môi trường sinh thái, bảo đảm an ninh, an toàn du lịch, đồng thời, chú trọng xây dựng văn hóa, văn minh du lịch.
Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng hơn đến việc phát triển du lịch bền vững gồm ba hợp phần chính, được ví như "kiềng ba chân" là thân thiện với môi trường, bảo tồn các giá trị về văn hóa xã hội và phát triển kinh tế địa phương. Đơn cử như VinaCapital là một trong những đơn vị tiên phong trong việc phát triển du lịch bền vững với các dự án tích hợp tầm cỡ quốc tế tại Cam Ranh, Đà Nẵng, Hội An, v.v.
Đại diện VinaCapital cho biết, với các dự án mà tập đoàn đầu tư, VinaCapital luôn chú trọng tới việc tôn tạo thiên nhiên cũng như bảo tồn các nét văn hóa đặc trưng của địa phương, ưu tiên lựa chọn vật liệu thân thiện với môi trường và có nguồn gốc địa phương, tận dụng tối đa nguồn năng lượng tái tạo, vừa tiết giảm chi phí năng lượng vừa giảm thải carbon trong hoạt động kinh doanh. Ngoài những chính sách hỗ trợ người dân theo quy định, VinaCapital còn xây dựng và triển khai các chính sách ưu tiên về đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng có cấp chứng chỉ miễn phí dành cho người dân địa phương để nâng cao trình độ, phát triển kỹ năng và có cơ hội được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế trong các dự án mà công ty đầu tư.
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam mục tiêu đến năm 2025, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng (tương đương 80 tỷ USD), tăng trưởng bình quân ngành du lịch đạt từ 13% đến 14%/năm, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12-14%. Trong đó, du lịch biển và ven biển được được dự báo là phân khúc có giá trị kinh tế lớn nhất, chiếm tới 70% hoạt động ngành du lịch Việt Nam. Nghị quyết số 36-NQ/TW về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" cũng xác định ưu tiên phát triển Du lịch và dịch vụ biển hàng đầu.
Tuấn Lâm