Akram cùng chồng và hai con nhỏ chuyển nhà từ Los Altos - cách trụ sở chính của Google ở Thung lũng Silicon chỉ 15 phút lái xe - để đến Dallas, Texas. Lý do lớn nhất là giá cả sinh hoạt.
"Ở Los Altos, chúng tôi phải trả tiền nhà gấp ba lần so với ở Texas, nhưng diện tích sinh hoạt chỉ bằng một phần ba", Akram cho biết. Nữ nhân viên Google cũng thừa nhận việc lựa chọn nơi sinh sống mới hay không là "câu hỏi của năm", khi họ được phép lựa chọn làm việc từ xa thay vì tại trụ sở công ty, bắt đầu từ tháng 9 tới.
Akram chỉ là một phần trong cuộc "di cư công nghệ" quy mô lớn, thoát khỏi khu vực Vịnh San Francisco nơi có Thung lũng Silicon với hàng loạt hãng công nghệ quy mô toàn cầu, như Twitter, Facebook, Google và Apple. Đây cũng là những công ty tiên phong trong việc cho phép nhân viên làm việc từ xa khi Covid-19 bùng phát năm ngoái. Khi đó, một số nhân viên đã chuyển đến một bang mới, trong khi đại đa số dời nhà đến các tiểu bang kế cận hoặc vùng ngoại ô với vài giờ lái xe.
Sau một năm làm việc tại nhà, ngày càng nhiều người muốn làm việc từ xa hơn là trở lại công sở. Khi hơn một nửa số người trưởng thành tại Mỹ được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ, nhiều công ty ở Thung lũng Silicon bắt đầu mở cửa trở lại. Tuy vậy, họ vẫn phân vân việc tiếp tục cho nhân viên làm việc từ xa ở mức độ nào. Các nhân viên cũng suy nghĩ về cách làm việc của mình.
Tuy nhiên, cuộc "di cư" quy mô lớn khỏi Thung lũng Silicon sẽ tác động lớn đến nơi được coi là trung tâm công nghệ của thế giới này.
Ưu và nhược điểm
"Nhân viên của chúng tôi có nhận thức rất khác nhau về làm việc từ xa. Một số cảm thấy họ dễ dàng tách biệt công việc với cuộc sống hơn khi làm ở văn phòng, nhưng số khác lại thực sự có cảm hứng làm việc nhiều hơn khi ở nhà", Nikki Krishnamurthy, Giám đốc nhân sự của Uber, cho biết. "Chúng ta không biết được điều này nếu như đại dịch không xuất hiện".
Uber bắt đầu yêu cầu nhân viên làm việc trở lại vào cuối tháng 3, tại trụ sở mới nằm trên Vịnh Mission, San Francisco. Tuy nhiên, việc trở lại là tùy chọn cho đến hết tháng 9. Sau đó, các nhân viên sẽ được yêu cầu làm việc tại văn phòng ít nhất ba ngày mỗi tuần.
Krishnamurthy cho biết, Uber đã chọn cách làm việc này sau khi xét các yếu tố để cân bằng giữa năng suất, sự gắn kết, làm việc nhóm và tính linh hoạt, đồng thời vẫn giữ văn hóa phát triển nhanh của mình. Theo một khảo sát với nhân viên của Uber, 75% thích mô hình làm việc "hybrid" - làm ở văn phòng vài ngày trong tuần và làm việc ở nhà những ngày còn lại.
Trong khi đó, Facebook cho biết các nhân viên sẽ đi làm trở lại, nhưng chưa ấn định thời gian và địa điểm. Tuy nhiên, mạng xã hội này cũng cho phép một số nhân viên đủ điều kiện có thể đăng ký làm việc từ xa dài hạn. "Chúng tôi không coi làm việc tại văn phòng và làm việc tại nhà là sự cân bằng, nhưng tin rằng điều này có thể cùng tồn tại và là trải nghiệm giúp nhân viên gắn kết", đại diện Facebook nói.
Twitter cho biết nhân viên của họ có thể làm việc từ xa "mãi mãi" nếu muốn, nhưng phải đăng ký. Apple ngược lại, bắt đầu yêu cầu mọi người đi làm trở lại từ tháng 5.
Đối với Google, CEO Sundar Pichai cho biết nhân viên trên toàn cầu của hãng sẽ tiếp tục làm việc từ xa cho đến tháng 9. Sau đó, họ có tùy chọn là làm việc tại văn phòng bất kỳ của Google ở thành phố gần họ nhất hoặc làm việc từ xa theo thời gian đăng ký.
Sundar Pichai cũng nói thêm rằng, ông hy vọng 60% nhân viên sẽ quay lại văn phòng làm việc, 20% chuyển đến các văn phòng khác gần với nơi họ ở nhất và 20% còn lại làm việc từ xa. Đây là quyết định có phần thay đổi so với trước đó. Ban đầu, Google yêu cầu nhân viên làm việc 3 ngày mỗi tuần tương tự Uber.
Tuy vậy, quyết định để nhân viên làm từ xa có thể khiến không ít công ty ảnh hưởng. Trong nhiều năm, các doanh nghiệp này đã chi rất nhiều tiền để xây dựng văn hóa công sở, cũng như các đặc quyền cho nhân viên, như phòng ăn miễn phí, phòng tập thể dục, phòng ngủ trưa... nhằm thuyết phục họ dành thời gian cho công ty nhiều hơn ở nhà.
"Thật khó để thực hiện ý tưởng làm việc từ xa hoàn toàn. Tuy nhiên, các mô hình làm việc kết hợp giữa tại văn phòng và từ xa như của Uber sẽ thành chuẩn mực", Nicholas Bloom, Giáo sư kinh tế tại Đại học Stanford, nhận định.
"Trận chiến" của các trung tâm công nghệ
Bên cạnh Thung lũng Silicon ở California, nhiều khu vực khác tại Mỹ cũng nổi lên trở thành trung tâm công nghệ, như Florida hay Texas. Hewlett Packard - một trong những hãng công nghệ tiên phong tại Thung lũng Silicon hồi tháng 12 thông báo sẽ chuyển trụ sở chính đến Houston. Oracle, một công ty lâu năm khác tại Bay Area, đã thông báo chuyển đến Austin. Tesla, Dropbox và các nhà đầu tư tại Thung lũng Silicon khác cũng cho biết sẽ chuyển trụ sở, và Texas là điểm đến.
Theo các chuyên gia, mức sống tại Thung lũng Silicon đã trở nên đắt đỏ hơn trong nhiều năm qua. Trong khi đó, các khu vực như Austin là một điểm đến công nghệ mới nổi nhờ vào "văn hóa hợp tác liên ngành" của thành phố, cũng như "chi phí, văn hóa và các cơ hội phát triển nghề nghiệp" tốt hơn các nơi khác.
Bên cạnh đó, các thành phố công nghệ mới cũng ra sức "tán tỉnh" các công ty công nghệ. Thị trưởng Miami, Francis Suarez đã dành nhiều tháng để thuyết phục các doanh nghiệp công nghệ đặt trụ sở. Sau đó, hàng loạt cái tên như Founders Fund của tỷ phú Peter Thiel, hay công ty của Jon Oringer (người sáng lập Shutterstock) đã chuyển văn phòng về đây.
Tuy vậy, có ý kiến cho rằng cuộc di cư khỏi Thung lũng Silicon có thể hơi phóng đại. Đầu năm nay, Google vẫn cam kết đầu tư 1 tỷ USD để mở rộng văn phòng tại California, trong khi Apple đã thuê 6 tòa nhà mới ở Sunnyvale thuộc Bay Area cho 3.000 nhân viên. Báo cáo hồi tháng 3 của công ty đầu tư Telstra Ventures cho thấy 97% startup công nghệ chọn Bay Area, tăng 4% so với 2019. "Bay Arena vẫn tiếp tục là tâm điểm của công nghệ trong nhiều năm tới", Mark Sherman của Telstra Ventures, nhận xét.
Bảo Lâm (theo CNN)