Lưu Hà -
Đến nay, rất nhiều người đã biết đến câu chuyện của Margaret Seltzer, bút danh Margaret B. Jones. Trong cuốn hồi ký Love and Consequences (Tình yêu và hệ lụy), B. Jones kể, cô là thiếu nữ da màu, mang nửa dòng máu Mỹ, lớn lên ở Los Angeles và là con nuôi của một băng đảng chuyên vận chuyển ma túy. Kỳ thực, không có chi tiết nào kể trên là sự thật.
Cuốn hồi ký "Love and Consequences" chứa đựng nhiều chi tiết bịa đặt. |
Nếu chuyện này nghe quen quen thì đó là bởi vì, cách đây không lâu, một người khác là Misha Defonseca thừa nhận, bà đã hư cấu cuốn tự truyện rất được khen ngợi của mình. Khác với những gì được kể trong Misha: A Memoire of the Holocaust Years (Ký ức của Misha về những năm tháng trốn chạy thảm sát), bà chưa từng sống chung với một bầy sói hoang, bà không phải là người Do Thái và cũng không hề lang thang khắp châu Âu tìm cha mẹ.
Và mới đây nhất, Angel at the Fence, cuốn hồi ký viết về câu chuyện tình yêu thời Holocaust đã bị hoãn xuất bản vì tác giả bịa đặt điểm mấu chốt nhất của câu chuyện. Trong cuốn sách, Herman Rosenblat kể lại chuyện gặp gỡ vợ tương lai Roma Radzicki khi ông còn là cậu thiếu niên bị giam tại một trại tập trung ở Buchenwald. Suốt 7 tháng trời, ngày ngày, Radzicki hò hẹn với Rosenblat qua hàng rào của trại, mang cho ông táo và bánh mỳ. Họ lạc mất nhau trong một lần ông chuyển trại. 12 năm sau đó, tình yêu trẻ con mới trở lại với hai người trong một cuộc gặp gỡ tình cờ ở New York. Nhưng các học giả cho rằng, đó là chuyện rất khó tin. Rosenblat sau đó cũng đã thừa nhận ông tưởng tượng ra chuyện tình trắc trở này.
Độc giả tìm kiếm được gì ở những hồi ký bịa đặt như thế này? |
Cách đây 2 năm, thị trường sách Mỹ từng xôn xao vì cuốn hồi ký dởm của James Frey - A Million Little Pieces. Tiếp theo đó là câu chuyện của Laura Albert. Albert tưởng tượng ra mình là một người mang tên J T LeRoy rồi hư cấu nên cả một câu chuyện ly kỳ và gán cho nó là tự truyện.
Vậy, chuyện gì đang xảy ra với ngành xuất bản Mỹ?
Không chủ ý nhưng câu trả lời của Seltzer phần nào có thể coi là một cách lý giải: "Tôi chỉ cảm thấy đó là điều tôi nên làm và có làm như thế, người ta mới chịu đọc câu chuyện của tôi".
Cách biện hộ này tất nhiên là rất chối. Nhưng Seltzer có lý khi trình bày rằng, chỉ khi một cuốn sách được khoác cái nhãn là tự truyện, nó mới thu hút được sự chú ý của dư luận.
Điều đáng buồn là ở đó. Trong những năm qua, các nhà xuất bản đã chạy theo sự thèm khát vô độ của độc giả đối với những cuốn sách dạng như "câu chuyện của một tác giả đã sống sót" sau sự kiện kinh hoàng nào đó.
Bởi họ biết, những cuốn sách như vậy sẽ bán chạy gấp 100 lần so với các loại sách bình thường khác và dễ dàng thu hút được sự chú ý của đài phát thanh National Public hoặc các show truyền hình của Oprah Wifrey.
Những hồi ký kiểu éo le này lại dễ dàng leo lên trang nhất của các tờ báo vì cỗ máy truyền thông không có ham muốn gì hơn là hút khách bằng những câu chuyện khó ai tin nổi nhưng có thật. Điều này đúng, và đặc biệt đúng với những đề tài như: tuổi thơ bị chà đạp, chân dung những mãnh thú - người, nạn nhân của phim ảnh...
Bạn hoàn toàn có thể tự tin mà cá rằng, những tác giả như Seltzer (hay Frey) hẳn đã úp mở, câu chuyện của họ không hẳn là có thật, rằng đã ít nhiều được thêm nếm. Nhưng các biên tập viên đã lờ đi. Tung ra một cuốn sách với cái nhãn tự truyện sẽ khiến họ đào được cả một mỏ vàng. Họ muốn tin những chuyện đó là có thật và họ tự cho mình có cái quyền được tin như vậy, dù chúng có thật hay không.
Ở Mỹ hiện nay, người ta đã có quá nhiều những tờ báo lá cải dựng chuyện như thật, đã có đủ những chương trình truyền hình thực tế dàn dựng thu hút khán giả hơn cả những gì đang diễn ra rành rành ở Iraq hay tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Liệu có ai đó băn khoăn, rồi đến một lúc, người ta sẽ tin những điều tưởng như là thật hơn là chính bản thân sự thật.
(Nguồn: TLS)