UBND TP HCM đã yêu cầu xác minh, xử lý nghiêm sự việc trên, xảy ra tại chung cư Saigon Riverside, Quận 7, về hành vi nuôi thả động vật không đúng quy định và cố ý gây thương tích.
Cách hành xử thô bạo, coi thường pháp luật của người chủ chó dù phải trả bằng cái giá nào cũng khó bù đắp được những thương tổn về thể chất và tinh thần của người bị hại, đặc biệt là cậu con trai bé nhỏ, khi trực tiếp chứng kiến cha mình bị đánh. Xung đột giữa người nuôi chó mèo và dân cư tại các khu chung cư, cũng sẽ không vì sự việc trên mà mất đi. Sự việc chỉ tiếp tục báo động về một vấn đề xã hội đã luôn gây tranh cãi tại các không gian chung cư ở Việt Nam gần đây.
Vụ đánh người ở Riverside cung cấp thêm bằng chứng cho quan điểm cứng rắn là cần cấm nuôi thú cưng tại các chung cư. Nhưng nuôi chó mèo, thú cưng nói chung là một nhu cầu, sở thích thuộc về lối sống cá nhân. Từ góc độ quyền con người, đây là nhu cầu chính đáng. Nếu không gây phiền toái cho người khác, không gây nguy hiểm hay thiệt hại cho lợi ích của cộng đồng thì nuôi thú cưng vẫn là một loại quyền cá nhân cần được tôn trọng và bảo vệ.
Các quy định pháp luật hiện hành cũng không cấm cá nhân nuôi thú cưng hay rộng ra là các loại sinh vật cảnh (pet) tại chung cư. Cũng bởi thế, khả năng can thiệp của chính quyền địa phương là rất hạn chế. Còn quy định nội bộ của chung cư cho đến hiện nay không đủ uy lực, nên các Ban quản trị cũng không đủ thẩm quyền, phương tiện để thực thi quy định đến nơi đến chốn.
Tại các khu chung cư gần nhà tôi, chim, chó, mèo... thỉnh thoảng gây phiền toái. Ban quản trị tòa nhà phải "vác tù và hàng tổng", xử lý những vụ phản ánh chỉ vì tiếng sủa của một con chó lúc ban trưa hay bãi xú uế của một con chim hoặc con mèo. Tranh cãi cũng nổ ra giữa phe đòi "Cấm" và phe "Cho phép nuôi nhưng phải quản lý chặt". Tuy nhiên, "lệ làng" không vượt được "phép Vua", nội quy chung cư không thể thay thế pháp luật. Ban quản trị chỉ có thể nhắc nhở chủ nuôi. Rốt cuộc, đâu lại vào đó. Thú cưng vẫn tiếp tục được nuôi trong sự hậm hực của một bộ phận cư dân và nỗi bất lực của Ban quản trị.
Câu hỏi đặt ra là: xử lý thế nào để đảm bảo nhu cầu và quyền cá nhân chính đáng trong lúc vẫn tôn trọng các quyền và nhu cầu của người khác, bảo vệ lợi ích của cộng đồng?
Chung cư là một dạng không gian sống mới, với các đặc điểm khác biệt hoàn toàn với cộng đồng làng xã truyền thống - nơi mỗi gia đình có một không gian riêng, ranh giới rõ ràng với ngôi nhà, mảnh vườn, tường bao... Ở đó, chó, mèo, gà nhà này vẫn thỉnh thoảng chạy sang nhà khác, người với người vẫn xảy ra xích mích, thậm chí cãi nhau gay gắt vì con vật. Tuy nhiên, do không gian rộng và tách biệt rõ ràng nên những phiền toái, va chạm ít xảy ra hơn.
Tại các chung cư, cá nhân chỉ sở hữu không gian bên trong căn hộ của mình. Bước ra khỏi cửa là mỗi người đối diện ngay với lợi ích chung, gắn với các không gian thuộc sở hữu cộng đồng như: hành lang, lối đi, cầu thang máy, sân chơi. Để thú cưng chạy tự do, phóng uế hay gây tiếng ồn tức là đã xâm phạm lợi ích chung, ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác.
Nếu nhu cầu và quyền cá nhân chính đáng cần được đáp ứng và tôn trọng thì một nguyên tắc phổ quát là việc thỏa mãn các nhu cầu, bảo vệ các quyền cá nhân đó không được đánh đổi hay bị trả giá bởi nhu cầu, quyền của người khác. Vì thế, chỉ có thể giảm thiểu xung đột nếu mỗi người ý thức rõ ranh giới và phạm vi giữa không gian riêng và chung, giữa lợi ích cá nhân và cộng đồng, để từ đó có cách ứng xử hợp lý.
Theo đó, không phụ thuộc vấn đề đã xuất hiện hay chưa, chính quyền địa phương (phường) cần chủ động yêu cầu tất cả các Ban quản trị chung cư trên địa bàn phải ban hành quy định về nuôi thú cưng trong phạm vi mình phụ trách. Nội quy cần rõ ràng về khu vực, không gian, khung thời gian, lối đi, vệ sinh, tiếng ồn mà chủ nuôi phải chấp hành.
Bất cứ vi phạm nào cũng sẽ bị lưu lại bằng chứng, ghi hồ sơ, và xử phạt theo hình thức lũy tiến, chẳng hạn vi phạm lần sau tăng gấp đôi lần trước. Hình thức trừng phạt tài chính sẽ giúp tăng cường ý thức của chủ nuôi trong khi vẫn bảo vệ được lợi ích và quyền cá nhân chính đáng.
Với những chủ nuôi chây ỳ, không chấp hành nội quy, không nộp tiền phạt, chính quyền sẽ có căn cứ để can thiệp với mục đích bảo vệ lợi ích cộng đồng, cụ thể ở đây là nhu cầu về môi trường sống trong sạch và an toàn cá nhân, cùng an ninh chung. Khi mối đe dọa với lợi ích của cộng đồng đã rõ ràng, việc cưỡng chế di dời thú cưng hoặc tước quyền nuôi thú cưng là biện pháp cứng rắn có thể được áp dụng.
Cấm đoán thô bạo với những nhu cầu chính đáng của mỗi cá nhân là một biểu hiện bất lực về năng lực quản lý. Vì thế, trước hết nên sử dụng công cụ trừng phạt tài chính để uốn nắn, điều chỉnh hành vi cá nhân theo hướng từng bước hình thành một xã hội trưởng thành, văn minh.
Nguyễn Văn Đáng