Thứ ba, 19/3/2024
Thứ bảy, 25/4/2020, 12:00 (GMT+7)

Xóm trọ Phúc Xá mùa dịch

Hà NộiBiết ít thông tin về điểm phát thực phẩm miễn phí, lại không có phương tiện đi lại, những người nhập cư cầm cự từng bữa vì thu nhập bấp bênh.

Xóm trọ của những lao động thu nhập thấp nằm sâu trong con ngõ 127 phố Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội, với những lối rẽ ngoằn ngoèo chật hẹp, ẩm thấp quanh năm. 

Xóm gồm 9 phòng trọ, mỗi căn chỉ kê vừa một chiếc đệm hoặc giường đôi cùng vài ba đồ lặt vặt. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số người đã về quê, chỉ còn hơn 10 người ở lại.

Chị Chử Thị Tươi (50 tuổi) quê Hưng Yên làm nghề kéo xe hàng hơn 20 năm cho biết, giữa đại dịch, hàng hoá phần nhiều đình trệ, ít người đi chợ nên chị ít việc.

Một ngày làm việc của chị Tươi bắt đầu từ 21h đến 7h sáng hôm sau. Công việc nặng nhọc mất sức nên chị thường ngủ bù ban ngày. Do không thông thuộc đường xá, thiếu phương tiện đi lại, phần lớn thời gian, chị loanh quanh ở căn phòng trọ diện tích chưa đầy 10 m2.

Chia sẻ về nỗi lo mùa dịch, chị trầm ngâm: "Tôi rất sợ tai nạn nghề nghiệp. Cứ dính va quệt là thu nhập ảnh hưởng. Khi ốm đau hoặc sức khoẻ có vấn đề chúng tôi chẳng có tiền mà vào viện khám".

Giống như chị Tươi, trong hơn chục năm kéo xe, chị Nguyễn Thị Cảnh cùng quê Hưng Yên không ít lần chấn thương. Hồi tháng 11/2019, do va chạm với đuôi xe ôtô chở hàng, ngón tay chị bật móng. "Tê lên tới tận cẳng tay, lúc ấy mặt mày tôi tái mét, đau phát khóc! Tôi cũng chỉ biết mua kháng sinh uống. 5 tháng sau thì ngón tay lành", chị nhớ lại.

"Để kéo xe hàng ở chợ, chúng tôi phải đầu tư 5 đến 6 triệu đồng. Giá xe kéo tùy thuộc theo kích thước từ 3 đến 3,5 triệu, tiền biển xe 1,5 triệu, một tháng phí quản lý xe tại chợ Long Biên là 496.000 đồng", chị Cảnh cho biết.

Lần đầu tiên chị ra Hà Nội làm việc tại chợ Long Biên là vào năm 2003, sau một thời gian quá vất vả chị về quê làm nông nghiệp. Đến năm 2007 vì mùa màng sâu bọ, nghề nông thua lỗ, chị Cảnh trở lại với nghề kéo xe hàng.

Chị Cảnh ngồi thêu tranh và tán gẫu với chị em trong xóm trọ sau bữa cơm chiều.

Làm công việc tay chân, nỗi lo lớn nhất của phần lớn lao động là không đủ sức khoẻ. "Không khoẻ thì không được việc gì cả và không có tiền", các chị chung nhận định.

Thu nhập bấp bênh, nhiều người không biết thông tin về những điểm phát gạo, lương thực miễn phí, người dân trong xóm trọ vẫn đùm bọc lẫn nhau giữa mùa dịch. Thời điểm thực hành giãn cách xã hội, trung bình mỗi người chỉ kiếm được 100.000 đồng mỗi ngày. 

Khi Hà Nội dừng cách ly ngày 23/4, nhiều hoạt động kinh tế xã hội được khôi phục, "người đi chợ đông hơn khiến thu nhập của chúng tôi cải thiện", chị Cảnh cho biết. 

Quanh xóm trọ Phúc Xá nổi tiếng nhiều tệ nạn, nghiện hút trộm cắp như cơm bữa. Người nghèo ở đây khi mất chiếc áo rét phơi bên ngoài, lúc thì đôi giày. Có ngày, kẻ trộm thò tay lần từng ổ khoá cửa các phòng.

Đôi vợ chồng Nguyễn Văn Hải (1971) và Nguyễn Thị Thuỷ quê Sơn La, làm nông nghiệp mất mùa, không thu nhập, anh chị gửi hai con trai cho ông bà rồi xuống Hà Nội đầu tháng 8/2019 - chồng bán tôm thuê, vợ kéo xe hàng hải sản.

Thu nhập mỗi người được 200.000 đến 300.000 đồng mỗi ngày, tháng hết hai triệu tiền thuê nhà, rồi điện nước. "Tiền gửi về quê nuôi con chúng tôi chẳng còn được bao nhiêu", anh Hải nói.

Vợ chồng anh Hải chị Thuỷ lo nhất là con cái ở quê đang tuổi mới lớn, xa cách bố mẹ dễ dính vào các tệ nạn xã hội. "Chúng tôi chỉ muốn mau hết dịch để kiếm tiền rồi về với các cháu", chị Thuỷ tâm sự.

Thái Anh