Chủ nhật, 17/11/2024
Thứ tư, 21/6/2023, 06:00 (GMT+7)

Xóm người Hoa làm bánh bá trạng Tết Đoan Ngọ

TP HCMMột tuần nay, các gia đình người Hoa trên đường Gia Phú, quận 6, bắt đầu tất bật gói hàng chục nghìn bánh bá trạng để bán dịp Tết Đoan Ngọ.

Sáng 20/6, gần chục người trong gia đình bà Tân Mỹ Sang quây quần gói bánh bá trạng, loại bánh không thể thiếu trong ngày này của cộng đồng người Hoa ở khu vực Chợ Lớn.

Bà Sang cho biết, người Hoa thường cúng trái cây, rượu, treo lá ngải và bánh bá trạng trong Tết Đoan Ngọ. Loại bánh này có nhiều công thức, hình dạng rồi mỗi gia đình lại tự thêm hương vị riêng.

"Khoảng 15 năm nay, gần ngày Tết Đoan Ngọ, đường Gia Phú lại trở thành nơi bán bánh bá trạng, loại bánh có nguồn gốc từ vùng Phúc Kiến", bà Sang cho biết.

Bánh bá trạng hay còn gọi là bánh ú mặn, bánh chưng người Hoa. Cùng là bánh bá trạng nhưng lại có các kiểu dáng khác nhau tùy theo mỗi địa phương, vùng miền. Bánh Phúc Kiến mang màu nâu từ ngũ vị hương, gói hình tam giác, người Quảng Đông thường gói hình gối dài, Triều Châu lại gói hình chóp đứng.

Như mọi năm, gia đình bà Sang thường gói khoảng 6.000 cái để bán, bắt đầu làm từ ngày đầu tháng 5 âm lịch.

Cách đó 200 m, trong con hẻm 145 đường Gia Phú, suốt một tuần nay nhà bà Dương Muội cũng bận rộn với việc gói hơn 4.000 chiếc bánh bá trạng. Các nhân bánh gồm tôm khô, trứng muối, hạt sen, nấm đông cô, thịt heo được ướp hương liệu rồi xào sơ, chia vào từng bát. Đây cũng là công đoạn quan trọng quyết định mùi thơm của bánh.

Gạo nếp sau khi ngâm 4 tiếng được ướp thêm ngũ vị hương và xào lên. Nhà bà Muội dùng gần một tấn gạo, loại nếp ngỗng và 500 kg thịt. Bánh được gói với lá tre, tuỳ theo kích thước có thể thêm nhân, riêng loại đặc biệt có hai trứng muối và bào ngư.

Bà Dương Muội (áo xanh) cho biết, toàn bộ bánh đều có khách đặt từ trước đó gần nửa tháng, để kịp giao hàng, cả nhà gói làm đến khuya, kết thúc trước Tết Đoan Ngọ một ngày.

Ở góc đường Gia Phú - Ngô Nhân Tịnh, bà Bích Ngọc (62 tuổi, áo hồng) nấu sơ thịt để làm nhân. Hơn 20 năm nay, mỗi tháng hai lần, gia đình bà gói 200 bánh để bán, riêng dịp Tết Đoan Ngọ gói 8.000 chiếc.

Một tiệm luộc bốn nồi bánh bá trạng ngay trên vỉa hè đường Gia Phú. Bánh được nấu từ 6 đến 8 tiếng để đảm bảo thơm ngon.

Từng chùm bánh sau khi luộc xong được bà Tân Mỹ Sang treo lên cho ráo nước, không được để đè lên nhau dể tránh bị nát. Bánh ngon khi dẻo, không nhão, có mùi thơm đặc trưng ngũ vị hương, vị béo của trứng vịt muối và thịt ba rọi. Bánh ngon nhất trong khoảng một tuần sau khi vớt.

Các sạp trên đường Gia Phú ngoài bánh bá trạng có bán thêm bánh ú lá tre (góc trái). Giá bánh bá trạng từ 65.000 đến 180.000 đồng tuỳ kích thước và lượng nhân bên trong.

Tết Đoan Ngọ là ngày Tết truyền thống tại một số nước châu Á. Ở Việt Nam, ngày này còn được gọi là Tết "giết sâu bọ". Người dân quan niệm, buổi sáng sớm ăn bánh tro, chè, trái cây, rượu nếp thì sẽ giết sâu bọ, bệnh tật trong người.

Quỳnh Trần