Gần chục hộ dân trong xóm trên đường Quang Trung ở khóm 5, phường 5, TP Cà Mau những ngày cận Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 âm lịch (3/6) tất bật với nghề gói bánh ú lá tre. Mấy ngày qua, khoảng 100 người được huy động làm việc từ sáng sớm đến khuya.
Tại lò bánh của ông Nguyễn Bá Kế, tay thoăn thắt quấn lá tre, bỏ nếp, để nhân, cột dây... thợ gói bánh Phạm Sơ Ri (42 tuổi) ở phường 5, cho biết dịp Tết Đoan Ngọ mỗi năm là thời điểm các cơ sở làm bánh ú là tre nhiều nhất. Hầu như các chị em trong xóm đều gác hết mọi công việc gia đình, tập trung làm để kiếm thêm thu nhập.
"Ba năm nay, tôi đều đến lò bánh ông Kế làm thêm. Năm nay, tính hết ba ngày, tôi gói được 3.000 bánh, nhận tiền công khoảng 3 triệu đồng", chị Sơ Ri nói.
Công việc gói bánh không nặng nhọc nhưng cần khéo tay, chăm chỉ. Để kịp giao bánh cho khách, các lò bánh phải làm liên tục cả ngày lẫn đêm. Chính vì vậy, họ phải chọn những nhân công giỏi nghề và chịu khó. Còn những nhân công luộc và buộc bánh một ngày kiếm 500.000-600.000 đồng.
Tất bật kiểm tra lò nấu, vớt bánh chính ra ngoài, ông Nguyễn Bá Kế (70 tuổi, chủ lò bánh), cho biết gia đình tôi đã gắn bó với nghề này khoảng 50 năm qua, lâu nhất tại xóm này.
"Nghề này ba mẹ vợ của tôi học được từ một người ở Cái Tàu, huyện U Minh, sau đó truyền dạy lại cho con cháu đến nay", chủ lò bánh nói. Ông cho biết từ nửa tháng trước đã nhận đặt hàng, mua nếp, đậu, lá tre, dây buộc để làm và giao hàng đúng hẹn cho khách.
Theo ông Kế, năm nay do mới ổn định sau dịch nên gia đình chưa dám tăng sản lượng bánh, chỉ làm khoảng 200 kg nếp với 10 nhân công, gói được 30.000 cái trong ba ngày. Còn những năm trước, mỗi dịp Tết Đoan Ngọ, lò gói hơn một tấn nếp, thuê gần 30 người làm. Với giá bán 35.000 đồng mỗi chục (10 cái), sau khi trừ chi phí, còn lời 20 triệu đồng.
Nguyên liệu làm bánh ú lá tre gồm: nếp, đậu xanh, nước tro, đường, lá tre... Sau đó, thợ đổ nước sạch vào tro ngâm khoảng một tiếng để lắng lấy phần nước trong. Lúc này, đỗ nếp vào ngâm trong nước tro đã lóng một ngày một đêm, rồi rửa lại bằng nước sạch. Công đoạn tiếp đến là chuẩn bị nhân bánh. Đậu xanh luộc chín rồi đánh nhuyễn, sau đó trộn với dừa và đường và vo thành viên.
"Mỗi lò bánh sẽ có bí quyết riêng, xong để bánh ú lá tre được ngon, hấp dẫn thì công đoạn ngâm nếp và luộc bánh là quan trọng nhất", ông Kế nói và cho biết gia đình chỉ dùng lò củi để luộc bánh trong khoảng hai tiếng. Bánh nấu bằng lò củi khi chín màu xanh nhạt, nếp bên trong nhuyễn hơn, khi ăn vừa dẻo vừa mềm.
Dịp Tết Đoan Ngọ, lượng bánh mỗi lò bánh ở xóm này sản xuất 10.000-200.000 bánh ú lá tre, gấp 10-20 lần ngày thường. Sản phẩm được cung cấp cho các chợ đầu mối ở Cà Mau và các tỉnh, thành miền Tây và TP HCM.
Ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch UBND phường 5, TP Cà Mau, cho biết nghề gói bánh ú lá tre phát triển ở khóm 5 nhiều năm, góp phần tăng thu nhập cho người dân, tạo việc làm cho lao động nhàn rổi.
"Đây là nghề truyền thống tạo nên nét đặc trưng ở địa phương", ông Tùng nói. Phường 5 đã thành lập tổ hợp tác gói bánh ú lá tre với chín tổ viên tham gia nhằm liên kết, hỗ trợ sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ.
An Minh