Giữa trưa, xưởng đóng ghe cặp sông Vàm Cỏ Đông của chị Nguyễn Thị Phượng (44 tuổi) vang tiếng cưa, đục. Dưới cái nắng như thiêu đốt và bụi từ mùn cưa, ba nhân công bịt kín mặt dùng đục trám dầu chai vào các khe hở trên thân tàu. Gần đó tàu gỗ 20 tấn chở trấu của khách từ Vĩnh Long đang được nhóm thợ sửa chữa, một tàu chở tro khác neo dưới bến chờ kéo lên bãi.
Chị Phượng cho biết nghề đóng tàu của gia đình đã có lịch sử hàng trăm năm, từ đời ông đến cha, sau đó được truyền cho con cháu trong nhà. Chị mở xưởng đã 10 năm, bình quân mỗi tháng nhận sửa 1-2 chiếc ghe, tải trọng 20-200 tấn.
Tùy theo mức độ hư hại, mỗi ghe mất từ 5 ngày đến một tháng mới sửa xong, chi phí mỗi chiếc từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Do giá gỗ quá đắt đỏ, xưởng thường xuyên mua các ghe cũ chất lượng còn tốt về cạy lấy gỗ tái sử dụng. Vật liệu đóng ghe thường là gỗ sao, căm xe đặc tính chịu nước tốt, lại có độ cứng, dẻo dai dễ dàng uốn cong tạo hình.
"Từ lúc mở xưởng đến giờ hầu như chỉ có tàu đến sửa chứ không có đơn đóng mới", chị Phượng nói và cho biết nguyên nhân do không cạnh tranh lại ghe sắt đang thịnh hành. Ghe sắt giá thành rẻ, tải trọng lại lớn hơn, khi hư hỏng dễ sửa chữa. Trong khi ghe gỗ có nhiều công đoạn phức tạp, phải dùng lửa uốn cong gỗ, mất thời gian lẫn chi phí.
Nằm sát vách xưởng con gái, cơ sở đóng tàu của ông Nguyễn Văn Gấm (78 tuổi) hiện đã bỏ không nhiều năm, ụ tàu (nơi đưa tàu ghe vào sau đó xả nước, đóng đập để sửa chữa) đã bị lấp bỏ.
Trong ký ức ông Sáu Gấm, thời vàng son 15-20 năm trước khi chưa có sà lan sắt, bình quân mỗi ngày xưởng có 20-30 nhân công đi lại như con thoi, ghe loại 100 tấn trở lên xếp hàng dài 5-7 chiếc. Toàn bộ công đoạn từ kéo tàu lên bờ đến đục, cưa, bào đều làm bằng tay. Thợ cả dùng kinh nghiệm lâu năm, không cần bản vẽ mà chỉ ước chừng bằng mắt, rồi giao phần việc cho các thợ phụ.
Ghe ở xứ Cần Đước nổi tiếng với thiết kế mũi cong vút, gặp sóng to gió lớn vẫn vững vàng cùng đôi mắt ghe to tròn, sinh động (còn được gọi là "mắt đảo mèo") để phân biệt với loại mắt có đuôi nhọn của ghe xứ khác. "Do thời gian dài không có khách, xưởng tàu của hai người em ruột của tôi cũng vừa giải nghệ gần", nghệ nhân bùi ngùi chia sẻ.
Cách đó gần 3 km, xưởng tàu của bà Huỳnh Thanh Bích (55 tuổi) cũng lâm cảnh ế ẩm, giữa trưa chỉ có ba công nhân nữ đang trám dầu chai cho chiếc ghe. Chỉ vào tàu khách trị giá gần một tỷ đồng nằm trước sân, bà Bích cho biết đây là tàu đầu tiên xưởng nhận đóng mới sau nhiều năm. Tuy nhiên, khi sắp hoàn thành Covid-19 ập đến, làm ăn khó khăn nên chủ tàu vẫn chưa đến nhận và còn nợ cơ sở khoảng 100 triệu đồng.
Chồng bị tai nạn không thể đi lại, trong ba người con chỉ có một người phụ bà quản lý xưởng tàu. Mấy năm nay bà Bích tranh thủ bán quán cơm để thêm nguồn thu nhập. "Chắc cố gắng cầm cự thêm vài năm nữa cũng giải nghệ thôi", bà Bích nói.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Tân Chánh, cho hay địa phương có lịch sử nghề đóng ghe gỗ trên 100 năm, là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ. Khoảng 20 năm trước, xã có khoảng vài chục xưởng lớn nhỏ, song hiện chỉ còn hai cơ sở hoạt động. Nhiều thợ đóng ghe vì thế phải đi làm xí nghiệp hoặc chọn công việc khác. Nghề truyền thống ở địa phương ngày càng mai một.
Hoàng Nam