Xóm Hạ Hồi có bốn lối thông với ba con phố Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản và Quang Trung. Trong đó, ba lối gắn biển tên Hà Hồi, riêng đầu ngõ thông với phố Trần Hưng Đạo gắn biển xóm Hạ Hồi. Hồi đầu năm, người dân trong xóm kiến nghị chính quyền thống nhất một tên gọi, không để tình trạng bốn tên như hiện nay, gồm: Ngõ xóm Hạ Hồi, ngõ xóm Hà Hồi, xóm Hà Hồi, ngõ Hà Hồi.
Quận Hoàn Kiếm sau đó có văn bản đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giao thông Vận tải kiểm tra thông tin để có cơ sở phản hồi kiến nghị của cử tri. Tuy nhiên, tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm của đại biểu HĐND thành phố vào giữa tháng 6, nội dung trên chưa được giải đáp.
Biển bảng và địa chỉ các căn hộ, cửa hàng trong ngõ cũng vì thế mà mỗi nhà một tên. Là người thuê cửa hàng trong ngõ này, chị Nguyễn Thị Hằng cho hay lúc làm biển hiệu cũng băn khoăn lấy tên nào làm địa chỉ. Cuối cùng, chị nhìn mấy cửa hàng bên cạnh ghi Hạ Hồi nên cũng làm theo.
"Thời gian đầu tôi hay bị người giao hàng mắng do họ vất vả tìm địa chỉ cửa hàng. Giờ tôi ghi địa chỉ và hướng dẫn cách đi luôn cho họ", chị Hằng nói và cho biết hầu hết khách hàng đều quen với tên gọi Hạ Hồi dù theo chị tự tìm hiểu thì cách gọi đó chưa đúng.
Bà Trần Thị Hoa, Tổ trưởng dân phố số 4 phường Trần Hưng Đạo (gồm toàn bộ xóm Hạ Hồi và hai mặt phố Quang Trung), cho biết xóm Hạ Hồi có 142 hộ với 416 nhân khẩu. Các giấy tờ văn bản từ trước tới nay của người dân đều ghi địa chỉ là xóm Hạ Hồi, người dân cũng quen dùng tên này.
Bà Hoa kể có lần khách đến nhà chơi tìm địa chỉ 25 Hạ Hồi nhưng mãi không thấy vì đi đến đầu ngõ thấy ghi Hà Hồi nên không vào. Có người không nghĩ ở trung tâm Thủ đô có xóm nên đi nhầm sang tận Ngọc Hồi ở huyện Thanh Trì.
"Tôi thấy không cần ghi ngõ vì có phố Hạ Hồi đâu mà có ngõ, cứ thống nhất cách người dân vẫn quen thuộc là xóm Hạ Hồi. Chúng tôi có tuổi không thấy ảnh hưởng gì nhưng với người trẻ, giấy tờ ghi địa chỉ khác nhau sẽ rất phiền phức khi làm thủ tục liên quan", bà Hoa nói.
Không chỉ có xóm Hạ Hồi, nhiều phố ở quận Hoàn Kiếm cũng gặp tình trạng tương tự khi được gọi bằng nhiều tên, như phố Tố Tịch, Báo Khánh.
Phố Tố Tịch chỉ dài khoảng 100 m, nối từ phố Hàng Quạt đến phố Hàng Gai (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm). Nhưng hai đầu phố lại được gắn biển tên khác nhau. Đầu Hàng Gai là biển tên phố Tô Tịch, đầu còn lại nối ra phố Hàng Quạt lại được gắn biển tên Tố Tịch. Biển bảng trên phố cũng gắn địa chỉ tùy theo ý thích của chủ nhà là Tô Tịch hay Tố Tịch.
Phố Báo Khánh (phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm) dài 104 m, rộng 8m, là đoạn đường nối từ phố Lê Thái Tổ đến phố Hàng Trống. Biển tên ghi thống nhất Báo Khánh nhưng đa số cửa hàng kinh doanh, thậm chí cơ quan nhà nước lại ghi Bảo Khánh.
Đứng ngơ ngác ở đầu phố, anh Trịnh Văn Tùng cho biết là du khách đến từ Huế, anh được bạn giới thiệu khách sạn nằm trên phố Bảo Khánh để tiện tham quan phố cổ, hồ Hoàn Kiếm.
"Lúc taxi chở tôi đến đầu phố, nhìn biển tên tôi cứ lo đi nhầm, phải đến khi xe đỗ cửa khách sạn mới yên tâm. Tôi không biết du khách nước ngoài họ sẽ tìm địa chỉ thế nào với những con phố loạn tên như thế này", anh Tùng nói.
Võ Hải