Thứ tư, 24/4/2024
Thứ bảy, 22/2/2020, 09:13 (GMT+7)

Xóm chài Tam Bạc trước ngày di dời

Hải PhòngTồn tại gần 40 năm giữa thành phố cảng, xóm chài Tam Bạc sắp được di dời khiến nhiều hộ dân lo lắng.

Đầu sông Tam Bạc (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) có một xóm chài nhỏ với hơn chục thuyền cũ nát. Đây là nơi sinh sống của 41 hộ dân nghèo đến từ nhiều địa phương, chủ yếu là Hải Dương và Quảng Ninh.

Ông Dương Đình Ổn, Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng, cho biết dự kiến tháng 5 này, quận sẽ di dời xóm chài để phục vụ dự án nạo vét và cải tạo sông Tam Bạc, chỉnh trang đô thị. "Những hộ đã ở đây lâu năm, không có đất đai nhà cửa, quận sẽ lập phương án hỗ trợ, giúp họ có cuộc sống tốt hơn, số hộ còn lại sẽ phải tìm khu vực neo đậu mới", ông Ổn nói.

Những chiếc thuyền xi măng đậu trên lòng sông cạn, phía trên được chắp vá bằng nhiều loại vật liệu như gỗ, tôn, nylon... để che mưa nắng.

Nghe tin chính quyền sắp di dời, người dân xóm chài những ngày này nửa mừng nửa lo. Theo chồng phiêu dạt từ Hải Dương đến phố cảng đã gần 40 năm, cụ Nguyễn Thị Phò (76 tuổi) vẫn một mình sống trên chiếc thuyền xi măng rộng 4 m2, được cột dây chặt vào cọc gỗ.

Cụ sinh được 5 người con, nhưng cuộc sống sông nước đã cướp đi 2 người. "Người ta bảo không ai khó ba đời, chứ gia đình tôi 5 đời đều nghèo khó. Có quê nhưng không có đất, có nhà. Cuộc sống cứ lênh đênh trên thuyền", bà cụ nói.

Ban ngày, con trai dong thuyền chài lưới, bắt tôm cá về đổi lấy gạo, cụ Phò ở nhà chạy qua, chạy lại thuyền của con để lo cơm nước. Hai năm nay, chiếc thuyền của cụ Phò bị vỡ một phần nên cứ tối đến, cụ qua thuyền của con để ngủ lại.

"Tháng 5 này, thành phố đuổi mẹ con tôi đi thì cũng chẳng biết đi đâu, tôi chỉ có nguyện vọng mong nhà nước cấp đỡ cho mẹ con tôi chút đất hoặc căn nhà nhỏ để được lên bờ", cụ nói.

Chiếc thuyền bằng xi măng của gia đình anh Nguyễn Thanh Long (con trai bà Phò) lỉnh kỉnh đồ dùng sinh hoạt, không có thứ gì giá trị, ngoài chiếc tủ lạnh cũ và nồi cơm điện.

Nhiều gia đình trong xóm không có giấy tờ tùy thân, nhà cửa... nên những đứa trẻ tại đây phần lớn không được đi học.

Nữ tu sĩ nhà thờ Công giáo trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Hồng Bàng) đã mở lớp dành cho trẻ em xóm chài Tam Bạc và những đứa trẻ lang thang ở trung tâm thành phố. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các lớp học tạm đóng cửa, những đứa trẻ ở trên thuyền tập vẽ.

Là con gái lớn của cụ Phò, bà Nguyễn Thị Ánh, 50 tuổi, đang sống cùng bốn người con và ba đứa cháu trên chiếc thuyền xi măng bị gãy đôi.

Bà Ánh kể, chồng mất sớm, nhà chồng nghèo cũng chẳng có gì cho. Trong các con của bà, 2 người con gái lớn bị câm điếc, thiểu năng trí tuệ. Con gái út đến tuổi lập gia đình, nhưng thương mẹ và các chị nên chưa chịu lấy chồng. Con trai thì quá ngán cảnh sông nước, đã lên bờ kiếm việc làm.

Vợ chồng ông Đào Văn Thắng (xã Trường Thọ, huyện An Lão, Hải Phòng) bỏ lại nhà cửa, xóm làng, rời quê ra thành phố làm ăn thấm thoát đã gần 20 năm. Ban ngày, họ ra sông Cấm đánh cá, tối đến về xóm chài Tam Bạc cùng mọi người trú ngụ qua đêm.

Ông Thắng cho biết, hai vợ chồng không biết chữ nên phải theo nghề "cha truyền con nối" mưu sinh. "Cá tôm giờ ngày một khan hiếm, có ngày kiếm được 500.000 đến 700.000 đồng, nhưng có ngày chẳng được con gì. Nghe thành phố sắp di dời, tôi lo lắm vì không biết mình sẽ về đâu", người đàn ông 48 tuổi tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Tưới (64 tuổi) chèo thuyền cho con trai - Nguyễn Văn Ngọc (26 tuổi) - giăng lưới bắt cá. Cả hai đều không biết chữ, không giấy tờ tùy thân, không hộ khẩu và được chính quyền thành phố xếp vào hộ có hoàn cảnh đặc biệt.

Từng có hai người con trai chết đuối trong một đêm đánh cá trên sông Cấm, bà Tưới trở nên điên dại. Đến năm 41 tuổi, sức khỏe dần ổn định, vợ chồng bà mới sinh thêm Ngọc. Nhưng con trai vừa chào đời được ba tháng, chồng bà lâm bệnh, rồi mất. Hai mẹ con bà Tưới phải bồng bế nhau chài lưới qua ngày đoạn tháng.

Bà Tưới hàng ngày lo sinh hoạt cho con trai và ba đứa cháu nhỏ trên chiếc thuyền. Bà Tưới cho biết, bệnh thần kinh thỉnh thoảng tái phát nên không làm được gì, ngoài ở nhà cơm nước.

"Nói thật là làm không đủ ăn thì lấy đâu ra tiền mà mua nhà, mua đất. Mấy năm qua, thành phố thương tình đã hỗ trợ tiền điện, thỉnh thoảng tặng cho mấy đứa cháu đồng quà, tấm bánh. Thành phố sắp đuổi, mấy mẹ con, bà cháu tôi cũng chưa biết thế nào", bà Tưới nói.

Một chiếc thuyền xi măng bị nứt đôi vì mưa nắng, không đảm bảo an toàn cho người dân đi lại. Cũng như các hộ dân trong xóm, cụ Phò, bà Tưới, bà Ánh... đều mong muốn một ngày được lên bờ, kết thúc cuộc sống tạm bợ, nhưng với họ mọi thứ vẫn vời vợi, vì tất cả đều nghèo.

Giang Chinh