Ngày 10/7, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Quang Khải, Khoa Phẫu thuật Thận Tiết niệu - Nam học, Bệnh viện E, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng xoắn tinh hoàn nguy kịch, chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Gia đình cho biết, trẻ nằm ngủ trong phòng điều hòa lạnh, khoảng 16-18 độ, cởi trần. Khoảng 3h chiều, trẻ đau bìu dữ dội, nhập viện cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán tinh hoàn bị thiếu dây chằng bẩm sinh kết hợp nằm điều hoà quá lạnh khiến tinh hoàn co lên, gây xoắn. Tuy nhiên, bệnh nhi may mắn nhập viện sớm, xử trí trong 40 phút, tinh hoàn chưa hoại tử, không phải cắt bỏ.
Sau phẫu thuật gỡ xoắn, cơn đau hết, người bệnh trở lại trạng thái bình thường.
Xoắn tinh hoàn còn được gọi là "hội chứng mùa đông", vì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể làm cơ bìu co lại nhanh chóng dẫn đến xoắn, nhất là khi có sẵn bất thường của thừng tinh. Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra với nam giới ở mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp ở người trẻ tuổi (89% dưới 25 tuổi).
Bệnh thường khởi phát khi ngủ, lúc hoạt động gắng sức hoặc thời tiết trở lạnh dẫn đến kích thích cơ bìu co thắt, như thời gian qua miền Bắc rét đậm hoặc nằm điều hòa quá lạnh. Một số yếu tố nguy cơ như tuổi trước hoặc trong dậy thì, di truyền, tinh hoàn hình con lắc chuông, thừng tinh dài...
Dấu hiệu thường gặp là đau dữ dội và đột ngột ở một bên tinh hoàn, bìu sưng to và đau, đau có thể lan lên phía trên, tinh hoàn bị xoắn treo cao hơn bên đối diện. Xoắn tinh hoàn dẫn đến tinh hoàn thiếu máu nuôi và tổn thương, hoại tử. Nếu xoắn quá lâu, tinh hoàn có thể bị tổn thương vĩnh viễn, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản về sau hoặc phải cắt bỏ.
Thời gian vàng điều trị xoắn tinh hoàn là trong 6 giờ đầu tiên tính từ lúc có biểu hiện đau. Nếu can thiệp trước 6 giờ, 100% bệnh nhân được cứu. Từ 6-12 giờ, khả năng cứu được tinh hoàn chỉ còn 50%, khoảng 12-24 giờ chỉ còn 20%. Đến viện sau 24 giờ, bác sĩ thường không cứu được bộ phận xoắn.
Thùy An