Thời còn làm ở một cơ quan có “xe biển xanh” tôi đã chứng kiến một lãnh đạo yêu cầu tất cả lái xe bỏ đèn ưu tiên được lắp sai quy định. Kể cả xe chuyên dùng cho thủ trưởng đơn vị. Một lãnh đạo khác thì phản ứng mạnh khi tài xế vượt quá tốc độ: Ông xuống xe đi taxi, để người lái xe của mình ở lại giải quyết theo luật. Sau đó về cơ quan, ông phạt thi đua tài xế. Kết quả của những động thái quyết liệt ấy là 100% tài xế cơ quan trở nên "ngoan hiền" khi tham gia giao thông dù vẫn điều khiển những chiếc xe biển 80.
Rõ ràng là uy tín chính trị được xây dựng qua mấy chục năm ròng của họ xứng đáng với những điều quan trọng hơn là chường mặt ra “bảo kê” cho một chiếc xe vượt quá tốc độ.
Cả tuần trước, dư luận ồn ã vì một clip dài hơn 8 phút quay cảnh chiếc xe "biển xanh" - sau này được xác định là xe của Ban Kinh tế Trung ương - gây tai nạn và bỏ chạy. Cuộc đua nghẹt thở của nhóm thanh niên qua nhiều tuyến đường và rất nguy hiểm. Trong quá trình “chạy trốn”, "xe biển xanh" hóa thành “xe điên” và việc không có ai bị đe dọa tính mạng chỉ hoàn toàn là may mắn. Cuối cùng nhóm thanh niên đó cũng lôi được ông lái xe và đưa về Công an quận.
Trước sự việc, Ban Kinh tế Trung ương đã ra thông cáo báo chí thừa nhận lái xe “có hơi men” đó là nhân viên Văn phòng Ban. Lái xe này đã xin lỗi, bồi thường cho nạn nhân, bày tỏ sự ăn năn, hối lỗi do bị mất bình tĩnh đã gây ra vụ việc trên. Tất nhiên, không đoán cũng biết rằng các lãnh đạo Ban có cảm thấy vui vẻ về chuyện này hay không, khi tên của tổ chức được nêu ra trên mặt báo nhờ vào một nhân viên say rượu.
Nhưng dù thế nào, sự khẳng khái riêng của các “sếp”, hay chính xác hơn là nỗ lực cá nhân của họ không giải quyết được vấn đề lớn, vì đã có quá nhiều chiếc xe biển xanh gây ấn tượng không tốt đẹp với người dân.
Gõ "xe biển xanh vi phạm giao thông" trên Google, sẽ ra gần một triệu kết quả. Nhưng sẽ ra sao nếu những thanh niên kia không chặn được chiếc xe điên lắp biển xanh? Vụ tai nạn có thể rơi vào quên lãng. Vì khác với xe biển trắng có thể tra trên tàng thư của Cục Đăng kiểm, thông tin về "xe biển xanh" thuộc loại khó tìm kiếm. Và nhiều khi, việc kiểm tra theo phản ánh của người dân về "xe biển xanh" vi phạm, với một lý do nào đó, lại ra kết quả "biển số giả".
Không phải ngẫu nhiên mà Trịnh Xuân Thanh đã phải cậy cục bằng nhiều mối quan hệ để đeo tấm biển xanh cho chiếc xe "mượn của thằng em".
Và bây giờ, hẳn không ít người dân ủng hộ ý tưởng: bỏ hẳn xe biển xanh, thậm chí cả biển đỏ.
Họ muốn mọi chiếc xe đều ngang hàng trước pháp luật. Vì trên lý thuyết là như thế. Đã có lúc nhà quản lý “định” nghĩ khác. Ví dụ như tháng 3 năm nay, một thông tư về quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông có nội dung: nếu là xe của cán bộ cao cấp thì có thể lập biên bản, chụp ảnh hiện trường rồi... cho đi. Nhưng dư luận đâu thể chấp nhận điều này. Trước phản ứng mạnh mẽ từ người dân, đại diện Bộ Công An đã hứa lược bỏ nội dung đó.
Ý tưởng “bỏ hẳn xe biển xanh” được nêu ra bởi chính một cán bộ ngành giao thông ngày 22/12 đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ dư luận. Một cuộc thăm dò độc giả của VnExpress cho thấy 89%, tương đương với hơn 11 nghìn phiếu lựa chọn “Bỏ” chỉ sau một ngày. Ngay cả chính thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng cảnh sát Giao thông, Bộ Công an, cũng bày tỏ ý kiến đồng tình.
Tất nhiên là để thay đổi một nếp suy nghĩ thì còn rất nhiều trở lực, đặc biệt là trong xã hội ta, nơi mà khái niệm “công vụ” vẫn là một thứ rất mực được trọng thị - thì “xe công vụ” và “xe thường” được đánh đồng làm một có thể khiến nhiều người ngần ngại. Tất nhiên, những ngoại lệ dành cho lực lượng vũ trang cũng nên được tính tới.
Nhưng câu hỏi lúc này, trước những bức xúc của dư luận và tinh thần thượng tôn luật pháp đang được nêu cao, thì câu hỏi không còn là “Có nên bỏ không?”. Câu hỏi bây giờ là: Tại sao không bỏ?
Tôi tin rằng không nhiều người trả lời rành mạch được câu này.
Trần Anh Tú