Ông Trần Mai Hạnh. |
Chủ tịch QH Nguyễn Văn An cho biết, hội đồng bầu cử đã yêu cầu các đơn vị bầu cử ở Bạc Liêu, Nam Định, Quảng Bình - nơi 3 ứng cử viên trên ứng cử - nhanh chóng sửa đổi lại danh sách và in lại phiếu bầu cho kịp ngày bầu cử 19/5.
Trong phiên họp, trước khi biểu quyết, các thành viên hội đồng bầu cử đã nghe báo cáo cụ thể về từng trường hợp. Đối với trường hợp ông Trần Mai Hạnh, theo báo cáo trình bày tại phiên họp này, kết quả kiểm tra cho thấy ông Hạnh đã ký ba văn bản chứ không phải hai băn bản như ông thừa nhận, để gửi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Trong đó, hai văn bản được ký dưới danh nghĩa phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội nhà báo Việt Nam còn một văn bản ký dưới danh nghĩa ban biên tập Nhà báo và Công luận.
Báo cáo này cho rằng "theo quy định của Luật báo chí, điều lệ Hội nhà báo và các quy định của pháp luật, ông Trần Mai Hạnh sử dụng tiêu đề Hội nhà báo Việt Nam và chức danh phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam trong các công văn nói trên là không phù hợp với chức năng và thẩm quyền. Hai bài báo trên tờ Nhà báo và Công luận phản ánh khiếu nại của vợ Trương Văn Cam (Năm Cam) mà ghi ở cuối bài với bút danh Nhà báo và Công luận là không đúng thể thức".
Cũng theo báo cáo trên, cá nhân ông Trần Mai Hạnh đã thừa nhận có quen biết với Trần Văn Thuyết (Thuyết "trăm voi") từ sự giới thiệu của vài cán bộ ngành kiểm sát và công an thành phố Hà Nội. Nhưng ông Hạnh nói đó là quan hệ xã hội bình thường không có nhờ vả lẫn nhau. Ông Hạnh giải thích vì thấy Thuyết quen biết rộng rãi nhiều cán bộ cao cấp trong các cơ quan công quyền nên coi đó là chuyện bình thường. Những sự kiện trên cho thấy với tư cách phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội nhà báo Việt nam và Tổng biên tập tờ Nhà báo và Công luận, ông Trần Mai Hạnh đã liên tục có công văn và các văn bản đứng về phía Trương Văn Cam lên án cơ quan công quyền và đòi trả tự do cho Trương Văn Cam là việc làm không bình thường, là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thả Trương Văn Cam gây hậu quả nghiêm trọng.
Báo cáo trên nhận định: "Qua xem xét đơn thư tố cáo và kết quả điều tra, xác minh, đến nay thấy ông Trần Mai Hạnh có dấu hiệu nghi vấn liên quan đến việc chạy tội cho Trương Văn Cam, không đủ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội. Do vậy, Hội đồng bầu cử đã quyết định xoá tên ông Trần Mai Hạnh".
Ứng cử viên Trần Trung Am chưa đủ tiêu chuẩn nhưng khai "vống" để nhận huy chương.
Ông Trần Trung Am. |
Ngày 7/5, cử tri Vũ Xuân Hảo, công tác tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định, đã có đơn gửi các cơ quan chức năng tỉnh tố cáo về trường hợp ứng cử viên Trần Trung Am, phó bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định. Trong lá đơn này, ông đề nghị xem xét lại việc ông Trần Trung Am được nhận Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng ba ngày 13/10/1997, cho rằng có những điều khuất tất. Đơn tố cáo cho biết tờ trình số 16 (ngày 18/8/1997) của địa phương đề nghị khen tặng hơn 1.500 trường hợp, trong đó có ông Am với phần khai thời gian công tác 10 năm, 8 tháng, 21 ngày. Tờ trình trên do chính tay ông ký với cương vị phó chủ tịch tỉnh để gửi cấp trên đề nghị khen mình.
Thứ hai, trong lý lịch ông Am khai đã theo học trung cấp lý luận chính trị tại trường Đảng Nguyễn Ái Quốc 1, nhưng thực tế trường này không có hệ đào tạo trung cấp lý luận chính trị.
Thứ ba, trong bối cảnh tỉnh Nam Định đang xảy ra nhiều vụ việc khiếu kiện đông người kéo dài, đặc biệt ở huyện Giao Thủy (thời kỳ 2000-2001) lẽ ra phải gánh một phần trách nhiệm thì ngược lại ông Trần Trung Am được nhận huân chương Lao động hạng ba. Theo cử tri này, như vậy là không xứng đáng.
Sau cùng, lý lịch của ông Trần Trung Am cho biết ông tốt nghiệp đại học tháng 8/1970 và năm 1973 được kết nạp Đảng, nhưng chỉ 9 tháng sau ông đã được chuyển từ Đảng viên dự bị sang chính thức. Lúc đó, thời gian thử thách đối với đảng viên dự bị theo quy định phải là 12 tháng.
Ngày 9 và 10/5, Uỷ ban Kiểm tra trung ương đã kiểm tra hồ sơ gốc, xem xét các nội dung tường trình của ông Am và có ý kiến kết luận. Theo đó, vừa học phổ thông và đại học vừa dạy bổ túc của ông Am không được tính là thời gian công tác, như vậy ông không đủ tiêu chuẩn và điều kiện để nhận Huân chương. Cũng như vậy, ông Trần Trung Am đã có biểu hiện không trung thực trong kê khai lý lịch, quá trình công tác của bản thân. Do đó, ông không đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XI.
Phó bí thư tỉnh uỷ ép cấp dưới làm trái quy định của Nhà nước và tổ chức Đảng.
Ông Lê Công Minh. |
Ông Lê Công Minh, Phó bí thư thường trực Tỉnh uỷ Quảng Bình là ứng cử viên đại biểu QH khoá XI (tái ứng cử). Nhưng đã lợi dụng chức quyền cùng với một số cán bộ ở tỉnh phù phép thuyên chuyển công tác trái quy định cho con trai là Lê Quốc Hưng, kỹ sư Công ty Xây dựng Công trình Bình Lợi, về công tác tại trường ĐH Thuỷ Lợi. Vụ việc mới vỡ lở khi Bộ GD&ĐT chính thức có công văn từ chối sự thuyên chuyển trái nguyên tắc này của địa phương vào đầu tháng 4.
Anh Lê Quốc Hưng, sau khi tốt nghiệp ĐH Thuỷ Lợi năm 1996 về nhận công tác tại phòng kế hoạch - kỹ thuật của Công ty Xây dựng công trình Bình Lợi. Ngay sau đó, Quốc Hưng được hưởng một số ưu đãi đặc biệt: được đi học ngoại ngữ 6 tháng tại ĐH Ngoại ngữ trong dự án cải cách hành chính của tỉnh. Đến tháng 7/2000 lại được UBND tỉnh Quảng Bình cử đi học cao học tại Ấn Độ trong 16 tháng rưỡi. Về nước được 3 tháng, Lê Quốc Hưng làm đơn xin chuyển công tác về ĐH Thuỷ Lợi và được một số cán bộ các ban ngành hợp thức để đủ điều kiện thuyên chuyển.
Trong buổi họp ngày 2/5, Ban thường vụ tỉnh uỷ đã chỉ ra những sai phạm của ông Lê Công Minh. Theo đó, anh Lê Quốc Hưng là con trai ông Lê Công Minh được tỉnh ưu ái cử đi học ngoại ngữ theo chương trình cải cách hành chính, tiếp đến lại đi học cao học ở Ấn Độ, lẽ ra ông phải động viên con trai về công tác tại địa phương theo quy định của Nhà nước và của tỉnh thay vì xin cho con chuyển về công tác tại Bộ NN&PTNT. Việc làm này của ông Lê Công Minh đã vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý cán bộ.
Cũng vì động cơ cá nhân, ông Minh đã "tác động" đến các cơ quan và cá nhân nói trên tạo điều kiện cho Hưng được chuyển công tác mà thực tế Hưng chưa về nhận công tác tại đơn vị cũ. Sai phạm của ông Minh đã kéo theo sai phạm của 5 cán bộ có liên quan cấp dưới, khiến họ bị nhận kỷ luật, làm trái quy định của Nhà nước và tổ chức Đảng, gây dư luận xấu trong nhân dân, ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền tỉnh.
(Theo Tuổi Trẻ)