Nói về ý nghĩa của việc đổi tên đội bóng đã gắn với máu thịt của người dân Sài Gòn mấy chục năm qua, ông Lê Quang Nhật, Giám đốc điều hành CLB nói: "Đây chỉ là thay tên đội bóng thôi. Cái tên TP HCM nó năng động và thích hợp với tên mới của Thành phố hiện nay, thậm chí bao trùm ý nghĩa hơn cả tên Sài Gòn. Chúng tôi muốn người hâm mộ đội bóng hiểu và thích ứng. Tên mới nó mới đúng là hoạt động bóng đá theo mô hình chuyên nghiệp (không gắn tên doanh nghiệp)".
![]() |
Cái áo lớn có tên Cảng Sài Gòn thường thấy trên khán đài khi đội TMN.CSG thi đấu sẽ được cất vào kho lưu niệm của đội Ảnh: An Nhơn. |
Trước đó, sau khi mùa giải 2008 kết thúc, lãnh đạo Công ty và đội bóng Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn đã đưa ra quyết định đổi tên đội bóng để hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp. Có hai tên được đề ra là CLB Sài Gòn và CLB TP HCM. Trong đó, cái tên CLB TP HCM hiện thuộc quyền sở hữu của ông chủ Trung tâm thể thao Thành Long - "bầu" Hưng. Nhưng trong cuộc họp cổ đông Công ty Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn sau đó, đội đã đi đến quyết định lấy tên thành CLB TP HCM, bất chấp Hội cổ động viên đội bóng phản ứng quyết liệt. Có nghĩa là đội bóng phải trả một mức phí để mua lại tên của đội bóng "bầu" Hưng?
Tuy nhiên, theo ông Nhật, việc lấy tên CLB TP HCM chỉ là trao đổi không có vấn đề tiền bạc. "Chúng tôi đã thỏa thuận và bàn bạc để thống nhất có tên đội bóng. Vấn đề ở đây chỉ là tình cảm. Bởi chúng tôi thống nhất cái tên CLB TP HCM sẽ tồn tại vĩnh viễn không ai được thay đổi. Liên đoàn bóng đá TP HCM đã ủng hộ vấn đề này", ông Nhật cho biết.
Nhắc đến CLB Cảng Sài Gòn trước đây, không ai có thể quên nơi đã sản sinh ra những cái tên đi vào trang sử truyền thống của đội và tuyển quốc gia như trung vệ hay nhất châu Á thập niên 60-70 Phạm Huỳnh Tam Lang. Sau đó, thập niên 90, những cái tên nổi lên như: Đặng Trần Chỉnh, Lư Đình Tuấn, Hà Vương Ngầu Nại, Võ Hoàng Bửu, Hồ Văn Lợi, Nguyễn Văn Phụng, Huỳnh Hồng Sơn... Đây là những cầu thủ mà nay là HLV cho nhiều đội bóng ở các mặt trận trên sân cỏ cả nước.
Năm 1975, đội bóng đá Cảng Sài Gòn được thành lập dưới sự quản lý của Cảng Sài Gòn. Từ đây, đội bóng đã gắn liền với bữa ăn tinh thần của người dân Sài Gòn. Nhưng đến năm 1986, đội mới nhận chức vô địch quốc gia đầu tiên. Và từ đó đến nay, đội còn thêm 3 lần nhận danh hiệu cao nhất của bóng đá Việt Nam vào các năm 1994, 1997, 2002 và 2 lần đoạt Cup quốc gia vào năm 1992 và 2000.
Đến năm 2004, sau khi đội bóng bị rớt xuống hạng Nhất, Cảng Sài Gòn quyết định gắn kết với doanh nghiệp thành đội Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn. Và trong mùa bóng ấy, đội được thăng hạng trở lại sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam đến nay.
An Nhơn