Điều nghịch lý là anh từng hợp tác với chúng tôi trong khuôn khổ một dự án phi chính phủ, nhằm hỗ trợ thanh niên tiếp cận cơ hội việc làm và sinh kế hoàn toàn miễn phí.
Thay vì "tìm việc" để mang lại thu nhập trăm triệu, nhiều người đảo lộn quy trình: đầu tư hàng trăm triệu để "xin việc". Tình trạng này không có gì lạ suốt hàng thập kỷ qua. Tôi càng thấy rõ khi dự một hội thảo kết nối giữa các trường cao đẳng nghề và doanh nghiệp tại Cần Thơ về tuyển dụng sau tốt nghiệp. Tại đây, đại diện một doanh nghiệp trong ngành thức ăn chăn nuôi ngao ngán chia sẻ các khó khăn khi phải thuyết phục lao động trẻ vừa tốt nghiệp chịu đi làm xa nhà. Lý do thường là gia đình ngăn cản vì muốn con cái học xong sẽ về gần cha mẹ, tìm vị trí nào đó trong hệ thống nhà nước, thu nhập ban đầu có thể thấp nhưng họ chờ đợi cơ hội thăng tiến hoặc các khoản ngoài lương.
Gần ngay cạnh tôi thôi, một chị bạn có con gái học lớp 12 ở một trường chuyên tại TP HCM. Trong khi cô bé nuôi ước mơ du học ngành truyền thông tại Mỹ, mẹ em khăng khăng cho rằng học trong nước là đủ. Vì chị đã chắc suất vào cơ quan cho con mình sau này.
Trong hơn tám năm thực hiện các dự án thúc đẩy sinh viên mạnh dạn khám phá bản thân, tìm hiểu thị trường lao động và bắt đầu dấn thân tìm việc, tôi nhận thấy nhiều em rất thờ ơ với kế hoạch hậu tốt nghiệp. Một trong các lý do là đã có gia đình chạy sẵn suất khi ra trường. Những sinh viên đó, phần đông không hào hứng với những buổi thăm doanh nghiệp. Các em cũng không mặn mà khi được kết nối với những chuyên gia, cố vấn trong lĩnh vực mình đang theo học để tìm hiểu câu chuyện ngành nghề.
Tôi vốn không lấy làm lạ, nhưng chưa bao giờ hết băn khoăn trước quan niệm không muốn con cái lăn lộn vất vả của nhiều bậc phụ huynh. Đó chính là rào cản để các em được thật sự bước vào đời bằng chính cái đầu và đôi chân của mình.
Việc giúp hình thành nhận thức của người trẻ để thấy sự khác biệt giữa "xin việc" và "tìm việc", tôi chủ quan cho rằng không quá khó. Điều làm chúng tôi đau đầu là cá nhân các em bị thiếu môi trường để tự lập và ra quyết định liên quan đến quá trình tìm việc. Thách thức thường đến từ quan điểm và niềm tin khó lung lay vào cơ chế "xin-cho", ảnh hưởng từ những thế hệ đi trước. Tâm lý thích được làm việc trong nhà nước để ổn định và có chút tiếng tăm với họ hàng làng xóm chính là mảnh đất màu mỡ để dung dưỡng hàng loạt vụ lừa đảo tinh vi và có hệ thống.
Dẫu còn nhiều hạt sạn trong tuyển dụng ở khu vực công và nhiều khó khăn để tìm đúng người đúng việc ở khu vực tư nhân, tôi vẫn nghĩ nên khuyến khích con em mình chuẩn bị cho việc ứng tuyển thay vì chấp nhận mất hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí là rủi ro mất trắng, khi xin việc.
Chính vì vậy, trong các chương trình đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên, chúng tôi luôn tiếp cận bằng lộ trình khám phá bản thân, xác định mục tiêu nghề nghiệp để lập kế hoạch phát triển cá nhân.
Tôi muốn kể về Nhung, một sinh viên năm thứ hai ngành luật, đã xác định được công việc mục tiêu là trở thành chuyên viên pháp lý sau khi tốt nghiệp. Trong quá trình phân tích mô tả công việc của một chuyên viên pháp lý qua các bản tuyển dụng, Nhung thấy được tầm quan trọng của rèn luyện kỹ năng trình bày, sẽ giúp cho việc tư vấn khách hàng hiệu quả hơn. Em lên kế hoạch từng bước rèn kỹ năng này, cùng với việc thi các chứng chỉ bằng cấp theo yêu cầu của ngành để khi ra trường có thể vượt qua các vòng phỏng vấn của các công ty luật.
So với những bạn trẻ khác đang được gia đình mua suất để không phải bon chen với đời trong quá trình tìm việc, tôi tin rằng, lộ trình của Nhung cần nhiều cố gắng hơn, nhưng sẽ xứng đáng với sự đầu tư tuổi trẻ để theo đuổi công việc mơ ước. Tôi cũng tin rằng, những người lao động đã phấn đấu để có được công việc mơ ước sẽ có nhiều động lực hơn để đổi mới và sáng tạo từ những nhiệm vụ được phân công hàng ngày.
Để tư duy "xin việc" thay thế bằng hành động "tìm việc", cần rất nhiều sự thay đổi quan niệm từ thế hệ lớn tuổi và những chuyển động tự thân mạnh mẽ của lớp trẻ, với niềm tin rằng thế giới này rộng lớn và có rất nhiều việc để làm.
Nguyễn Hoàng Khánh Tiên