Tròn nửa thế kỷ trước, những người lính Đại Hàn thuộc Lữ đoàn Rồng Xanh trong bộ áo quần rằn ri, bọc bên ngoài áo giáp đã tới ngôi làng nhỏ giờ thuộc Điện Bàn, Quảng Nam này, nã súng vào những người dân thường, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. 135 người thiệt mạng. Dọc những con đường đất là những thi thể nằm vất vưởng, sau này được gom về hai ngôi mộ tập thể. Ở làng Hà My này, có những dòng họ đã bị xóa sổ trong ngày hôm đó.
Những người Hàn Quốc hôm nay đến Hà My để nhìn thấy tấm bia ghi tên 135 người, trong đó có những em nhỏ chưa lọt lòng mẹ phải viết thành “Vô Danh”, và sờ vào những thương tật của nhiều người còn sống.
Tất cả 41 người Hàn Quốc đã cúi đầu, quỳ gối trước tấm bia và trước hàng trăm người dân Hà My để nói lời xin lỗi. "Đứng trên mảnh đất nơi từng là hiện trường của một vụ thảm sát tang thương tột cùng, không thể tin và cũng không muốn tin này, chúng tôi không cất nổi thành lời, dù chỉ là một lời xin lỗi, chỉ còn biết gồng mình cố nén tiếng khóc", ông Kang U Il - Chủ tịch Quỹ Hòa bình Hàn - Việt nói.
Nữ tiến sĩ lịch sử Ku Su Joeng đưa tay quệt những giọt nước mắt lăn trên má bà Thú. Tiếng súng của quân đội Hàn Quốc ngày 24 tháng Giêng năm 1968 đã cướp đi của cụ hai người con. May mắn sống sót sau trận càn, nhưng bàn chân phải của cụ bị lựu đạn cắt mất một nửa, bước đi đầy khó nhọc.
Người phụ nữ Hàn Quốc cố giấu đi cảm xúc thật của mình. Nhưng cho đến khi khi cụ Thú ngã xuống nền gạch vì cố rướn người thắp cho hai đứa con một nén hương, vai của nữ tiến sĩ đã rung lên.
Đến Việt Nam học thạc sĩ lịch sử, gần 20 năm trước, những tập hồ sơ làm luận văn đã đưa cô học viên Ku Su Joeng sang một ngã rẽ khác. Những điều bà chưa từng đọc trong sách giáo khoa Hàn Quốc được ghi lại ở tài liệu của phía Việt Nam. Suy nghĩ "phải tìm sự thật" đã thôi thúc nữ học viên này đến những làng quê ở Việt Nam.
Điều bà lo lắng nhất lúc đó là sự phản ứng của nạn nhân thảm sát khi bắt gặp một người Hàn Quốc. Thậm chí khi đi qua tấm bia ghi hai chữ "Căm thù" ở Bình Hòa (Quảng Ngãi) bà đã không dám nghĩ đến những phản ứng của các nhân chứng. Điều may mắn của Ku Su Joeng là người Việt Nam đã khép lại quá khứ, chấp nhận lời xin lỗi.
18 năm qua, nữ tiến sĩ khởi xướng phong trào "Thành thật xin lỗi Việt Nam", và làm cầu nối để những người Hàn Quốc biết về quá khứ của dân tộc họ. Bà cũng may mắn khi tìm được một tờ dám đăng những bài phóng sự nêu ra tội ác của quân đội Hàn Quốc, dù ngay sau đó tòa soạn này bị những cựu binh Hàn Quốc tấn công.
Những người Hàn Quốc đã cúi đầu khi đối diện các nhân chứng. Đó là khi họ nghe nạn nhân Nguyễn Thị Thanh ở làng Phong Nhất - Phong Nhị (Quảng Nam) kéo tà áo để lộ ra vết thương do đạn xé toạc. 8 tuổi, bà Thanh cùng ba chị em mình bị toán lính Hàn Quốc phát hiện khi trú ẩn dưới hầm. Từng người một bước lên đã bị những người lính nổ súng bắn giết. Bụng rách, Thanh lấy đôi tay bé bỏng "vá" lại, chạy ra cánh đồng tìm mẹ, mà không hay biết những thi thể nằm ngổn ngang gần gốc cây da dù có mẹ của mình.
Đó còn là khi họ nhìn vào đôi mắt mù lòa sau trận thảm sát của ông Đoàn Nghĩa ở xã Bình Hòa (Quảng Ngãi). Ông sống sót khi nằm dưới xác mẹ ngập ngụa trong bùn non và thuốc súng, xung quanh là hàng chục thi thể. Người mẹ khi đó đang cho ông bú sữa thì lính Hàn Quốc ập đến, xuống tay không thương tiếc.
Sống trong bóng tối ngần ấy năm, nhưng lòng ông đã nguôi ngoai nỗi uất hận. "Họ đã xin lỗi rồi, quá khứ hãy cứ để nó ngủ yên". Còn bà Thanh bảo bà không muốn kể lại quá khứ nữa, vì kể là bà lại đau lòng. Nhưng những người Hàn Quốc đã đến, thì bà phải kể để họ biết sự thật.
Tôi đi theo đoàn người Hàn Quốc, bị hòa lẫn vào cảm xúc của những nhà văn, sinh viên với đôi mắt nháng nước gục vào lòng ông Nghĩa, bà Thanh. Đến lễ tưởng niệm 50 năm thảm sát làng Hà My hôm 11/3, ngoài những nhà văn, luật sư, còn có đại biểu quốc hội Hàn Quốc - ngài Kim Hyun Kwon. Ông Kim Hyun Kwon là người của Đảng Dân chủ cầm quyền.
Họ tìm đến Việt Nam trong tour du lịch vì hòa bình. Gặp mặt nhân chứng thảm sát là một trải nghiệm hay là một cơ hội để họ được nghe và được vỡ òa. Nước mắt và lời xin lỗi không hẳn là vì những nạn nhân bị thảm sát, mà vì chính họ. Bởi khi đó họ nhìn rõ tội ác chiến tranh, sám hối và cảm thấy thanh thản.
Qua nhiều cuộc chiến tranh, khắp đất nước này có không biết bao nhiêu lễ tưởng niệm. Nhưng không phải nơi nào, lịch sử cũng được nhìn nhận với một thái độ sòng phẳng và ăn năn. Những lời xin lỗi ở Hà My chỉ là của các cá nhân Hàn Quốc. Những người Mỹ cũng chưa bao giờ thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm với việc rải dioxin tại Việt Nam. Khi nhìn vào các nạn nhân, họ chỉ dám nhìn vào những phần khuyết tật để đồng cảm. Và hôm qua, hôm nay, ở đâu đó trên dải đất hình chữ S này là những lễ tưởng niệm người đã ngã xuống vì tiếng súng tàn bạo từ ngoại bang, mà chưa bao giờ nhận được một lời thú nhận và sám hối.
"Khép lại quá khứ để hướng tới tương lai" là một quan điểm đang thường trực. Nhưng nếu lịch sử không được viết lại một cách sòng phẳng, thì tương lai sẽ lặp lại những vết xe đổ. Những người như tiến sĩ Ku Su Joeng muốn phơi bày lịch sử, chỉ với tâm nguyện những người Hàn Quốc phải biết những sai lầm quá khứ để không vấp phạm.
Sòng phẳng với lịch sử, không bao giờ là điều quá muộn.
Nguyễn Đông