“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con”
Tôi được sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả nếu như không muốn nói là nghèo khó. Tài sản duy nhất mà bố mẹ tôi có là mấy đứa con nheo nhóc và ba sào ruộng. Mẹ tôi quanh năm ngày tháng phải bán mặt cho đất, bán lưng cho giời, quanh đi quẩn lại với mấy con lợn, con gà. Bố thì nay đây mai đó với mấy ông thợ xây, có khi phải đi xa hàng tháng trời. Đến khi mẹ tôi sinh đứa thứ ba, bố quyết định vào nam lập nghiệp, với hy vọng sẽ kiếm được một công việc tốt và gửi thật nhiều tiền về cho mẹ. Thế là chỉ còn lại một mình mẹ vất vả nuôi ba chị em chúng tôi. Nhưng tôi khi đó chẳng thể nào hiểu được nỗi vất vả khi phải chạy ăn từng bữa hàng ngày của mẹ.
Mỗi khi nhìn thấy chúng bạn có bộ đồ mới, hay đơn giản chỉ là một cây viết mới, tôi cũng đòi mẹ mua cho bằng được. Cũng có lúc, mẹ chẳng có đủ tiền để mua cho tôi dù chỉ là một cây viết, khi ấy tôi lại được dịp tha hồ mà hờn dỗi, mà tự ái. Tôi luôn cố chấp cho rằng cái nghèo ấy là do bố, do mẹ gây ra mà không hề biết rằng bố mẹ đã có lúc nhịn ăn để nhường cho chúng tôi dù đó chỉ là củ khoai củ sắn.
Trong suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ là tôi lúc bấy giờ, chỉ tồn tại duy nhất một câu hỏi: “Tại sao nhà mình lại nghèo thế? Tại sao bố mẹ lại không mua cho mình cái này/cái kia trong khi các bạn khác chẳng thiếu thứ gì…?” Suốt thời niên thiếu, tôi ngây ngô không hiểu được và cũng chẳng thể tìm ra lý do vì sao nhà mình lại nghèo đến thế, thay vì phải cố gắng phấn đấu nỗ lực để thay đổi tương lai, tôi lại vô tư vui chơi như thể ngày mai sẽ chẳng đến nếu hôm nay không hết mình với những trò vô bổ.
Chính vì thiếu những suy nghĩ đó, mà tôi trượt đại học đến hai lần. Và tôi chắc sẽ mãi trượt dài trong tháng ngày vô nghĩa ấy nếu như bố không trở về với hai bàn tay trắng và một thân hình tiều tuỵ. Công việc làm ăn của bố thua lỗ, bao nhiêu công sức gây dựng trong ngần ấy năm bỗng chốc sụp đổ, tan thành mây khói chỉ sau một đêm thôi. Và thế là bố cũng suy sụp…
Kể từ ngày ấy, tôi mới bắt đầu hiểu ra sự vất vả, nhọc nhằn đã đè nặng lên đôi vai của bố, lên tấm lưng gầy của mẹ suốt bao nhiêu ngày tháng qua. Và cũng hiểu rằng, tôi chẳng thể lựa chọn cho mình một người cha, người mẹ, càng chẳng thể lựa chọn được hoàn cảnh mình sinh ra. Tôi chỉ có thể chọn lựa cho mình một thái độ sống, một con đường sống mà thôi. Tôi bắt đầu lao vào học với quyết tâm phải thi đỗ một trường nào đó mới mong có cơ hội thay đổi cuộc sống của mình, và tìm một chỗ đứng trong xã hội đầy những khó khăn, cạm bẫy này. Cuối cùng thì những nỗ lực của tôi cũng đã được đền đáp
Giờ đây, tôi đã có công việc mình mơ ước, một gia đình nhỏ ngập tràn tình yêu thương. Nhưng lời xin lỗi bao năm qua tôi vẫn chưa thốt lên được, cũng như vẫn chưa thể đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục đến người mẹ tôi yêu thương và kính trọng nhất suốt bao nhiêu năm qua. Và tôi cũng nợ mẹ một lời cảm ơn nữa, lời cảm ơn chân thành nhất từ tận đáy lòng của một đứa con gái ngang bướng ngày nào.
Năm cũ sắp qua đi, một năm mới nữa lại về, biết bao nhiêu dự định còn dở dang, trong đó có cả lời xin lỗi vụng về, lời cảm ơn chưa trọn vẹn mà tôi muốn nói với mẹ. Tôi chỉ ước sao, ngày đầu tiên của năm mới có thể đưa mẹ đi đến những nơi mẹ thích, ăn những món thật ngon, (bởi tôi biết ước mơ của mẹ chỉ mong một lần được đến với thủ đô yêu dấu, ăn bát bún riêu cua thơm lừng), để tôi có thể nói với mẹ rằng: “Xin lỗi mẹ, con thật ngốc phải không?” và tôi cũng sẽ nói “Con cảm ơn mẹ, vì tất cả những gì mẹ dành cho con. Con yêu mẹ.” Một điều ước, thật giản đơn!.
Đỗ Thị Thanh Huyền
Cuộc thi “Thời khắc yêu thương” do Công ty TNHH Sapporo Việt Nam phối hợp với VnExpress thực hiện. Đây là nơi để bạn chia sẻ những kế hoạch, dự định ý nghĩa đến người mà bạn mong muốn gửi lời tri ân, yêu thương và cùng họ trải qua những thời khắc cuối cùng của năm. Chương trình kéo dài từ ngày 26/11 đến ngày 23/12 trên trang Đời sống, báo VnExpress. Độc giả gửi bài tham dự tại đây. |