Cuộc sống khó khăn buộc con phải rời xa gia đình, xa quê hương thân yêu để lập thân, lập nghiệp trên một vùng đất mới. Tám năm rồi kể từ ngày bước chân ra đi, con đã luôn tự hứa phải sống mạnh mẽ và sống tốt để khỏi phụ lòng mẹ cha. Cũng đã đến bảy cái Tết vừa qua con chưa lần nào đoàn tụ cùng gia đình mình.
Chiều nay, mấy anh bạn đồng nghiệp í ới hỏi nhau chuyện về quê ăn Tết, lòng con lại rộn ràng, xuyến xao. Mắt con bỗng nồng cay, hoen đỏ. Con nhớ lắm những cái Tết cả nhà quây quần bên nhau.

Năm nào cũng vậy, trong cơn say ngủ của những đêm cuối năm, những giấc mơ sum vầy lại rủ nhau tìm về. Thật rõ ràng và xiết bao nồng ấm! Con thấy mẹ lại tất bật chuẩn bị bao nhiêu thứ: nào mứt gừng, nào bánh xoài, bánh cốm… Rồi mấy anh em tụi con hào hứng cùng phụ mẹ dọn lại nhà cửa. Đêm giao thừa, ai nấy tranh nhau canh chừng nồi bánh chưng, nhưng cuối cùng thì lăn đùng ra ngủ khì hết trơn.
Có những cái Tết vắng ba, căn nhà cũng buồn tênh! Lúc nhận được thư ba, con đã chẳng chịu đọc. Vì con không thích nghe ba chia quà Tết được gửi về. Con không thích nghe ba dặn dò Tết không có ba thì các con phải như thế này, phải như thế kia. Tất cả những gì con cần là ba thôi. Mẹ và chúng con đã ngóng chờ ba về nhà ăn Tết từ mấy tháng qua rồi. Là bộ đội, ba phải xa nhà thường xuyên, một mình mẹ chăm lo cho chúng con từng bữa ăn, giấc ngủ. Hồi đó, con thấy mẹ hay ngồi lặng lẽ trong bóng tối. Hẳn nhiên là mẹ đang nhớ ba, bao khó nhọc, đắng cay mà một mình mẹ phải gánh chịu, trẻ dại chúng con làm sao hiểu hết…
Cuộc sống mưu sinh đôi khi khiến con rệu rã, chùng chân bước. Nhưng con không bao giờ gục ngã đâu. Vì con biết ở quê nhà có ba mẹ và bao người thân tin tưởng. Con biết cạnh bên con là gia đình nhỏ với vợ và con trai. Đôi lúc mỏi mệt, con nhắm nghiền mắt lại và đôi chân con như chạy ngược về miền thơ ấu. Con thấy mình lại là một đứa trẻ nhỏ, chân dài thòng mà vẫn đòi ba cõng. Con với anh trai cũng bao phen khiến mẹ hoa mắt, đau đầu vì những chuyện chẳng đâu… Rồi con thấy mình cũng đã lớn hơn và cùng anh có thể giúp mẹ bao nhiêu là việc nhà.
Hồi đó, con ghét nhất là mấy con heo nhà mình. Chúng vừa tham ăn lại còn ở bẩn nữa. Cái mùi hôi nồng nồng khi cho ăn hay tắm rửa cho chúng như còn phảng phất đâu đây. Thật lạ lùng! Con lại thấy hai cô em gái nhỏ đang khóc mếu máo và chẳng thèm nhìn mặt anh trai nữa khi bị ăn đòn. Lúc đó, con vừa giận lại vừa thương quá chừng. Nhớ lắm hai cô này những khi cười tít mắt và hò reo, nhất là mỗi dạo được con chở ra cây cầu trên sông Lý ngắm nhà cửa và xem người ta bắn pháo hoa trước giờ giao thừa này. Bây giờ các em đều đã lớn khôn và trở thành những cô thiếu nữ đẹp xinh.

Cậu nhóc nhà con vừa chạy ùa đến và ngồi vào lòng con, hỏi bao nhiêu điều “ Ba ơi, vào ngày Tết ông bà ở xa có thích nhận bao lì xì như con không? Nếu có thì làm sao con gặp mặt để lì xì cho ông bà được ạ? Thế ba có muốn lì xì cho ông bà mình không?...”

Con chợt giật mình nhẩm tính ra nhiều cái Tết vừa qua con không thể tận tay trao phong bao mừng tuổi ba mẹ. Những cái Tết ấy con chỉ có thể gửi vài gói quà đến ba mẹ qua đường dây bưu điện. Mỗi thời khắc giao thừa tới thì con chỉ có thể cầm điện thoại lên và thăm hỏi, chúc tụng ba mẹ dăm ba câu mà thôi. Có những khi giọng mẹ lạc hẳn đi vì nước mắt đang lăn dài, con biết. Dù ba đang nói cười nhưng trong lòng hẳn chùng xuống vì mong ngóng con trai trở về, con biết. Ôi chao, con trai của ba mẹ thật đáng trách biết bao!
“Nếu có ước mơ thần tiên, mãi mãi được bên mẹ cha mừng xuân. Vì quà nào bằng gia đình sum họp. Tết nào vui bằng tết đoàn viên”- lời bài hát vọng ra từ nhà hàng xóm kéo con ra khỏi nhữn bộn bề công việc, lo toan đời thường. Và bây giờ con muốn thực hiện một phần ước mơ thần tiên đó - bên ba mẹ đón xuân Ất Mùi. Cả nhà ta rồi sẽ được sum vầy đón Tết. Tết này sẽ rất vui vì là Tết đoàn viên!
Cẩm Vân
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |