Những ngày vừa qua, cộng đồng mạng xôn xao về chuyện tân sinh viên phải đi nghĩa vụ quân sự khi có giấy báo nhập học sau giấy gọi nhập ngũ. Báo chí và cư dân mạng bàn luận sôi nổi về việc trường hợp Nguyễn Hữu Tiến - thủ khoa Đại học Y xin tạm hoãn nhập ngũ để học đại học.
Nếu như Tiến xin tạm hoãn với lý do muốn đi học để trả món nợ 100 triệu cho gia đình, thì bên cạnh đó có rất nhiều người trượt đại học nhưng lại chối bỏ nghĩa vụ, chạy bằng được vào một ngôi trường nào đó chỉ để "không phải đi lính".
Status của Facebooker Binh Nguyen bàn về vấn đề này đã nhận được rất nhiều bình luận của cồng đồng mạng: "Chị gọi điện cho tôi, nói với giọng thảng thốt: "Em ơi, có cách nào chạy cho thằng con chị khỏi bị gọi nhập ngũ, nó rớt đại học rồi. Có trường nào chị gởi, bao nhiêu tiền cũng được... Nếu không được chắc chị cho nó đi du học bên Singapore, trường nào cũng được, miễn làm sao nó khỏi đi lính..."
Tôi hỏi chị : "Đi nghĩa vụ quân sự giờ chỉ có 2 năm mà chị, sao không để nó đi rồi về học đại học cũng không muộn mà?". Chị cúp máy cái rụp, sau đó nhắn tin: "Tôi tưởng anh làm báo thì có thể giúp cháu, không ngờ anh tệ hại đến thế".
Những ngày này các trường đại học lần lượt công bố điểm, cộng đồng mạng xôn xao về quy định vẫn phải nhập ngũ khi có giấy báo nhập học sau giấy gọi nhập ngũ, các gia đình có tiền đang chạy bằng mọi cách để con khỏi đi lính, một số tờ báo cũng ra sức "tư vấn" cho thanh niên khỏi nhập ngũ. Cha mẹ nào mà không thương con, nhưng quốc gia nào mà không cần những người lính, vậy đi lính bây giờ chỉ là con nhà nghèo, những gia đình không có điều kiện kinh tế?
Tôi nhớ, hồi học trung học thời chiến tranh biên giới Tây Nam, lớp tôi có đến gần 50% học sinh nam lên đường nhập ngũ và gần 1/3 bạn bè đã không trở về. Với nhiều quốc gia đang trong trạng thái chiến tranh như Israel, nam nữ thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự được xem là bắt buộc, hay Hàn Quốc, bất luận là nhân tài hay người của công chúng từ 18 đến 35 tuổi đều phải thi hành nghiêm luật nghĩa vụ quân sự 24 tháng như trường hợp ca sĩ Bi Rain hay siêu sao Lee Jun Ki hay siêu cầu thủ Park Chu Young...
![untitled-JPG-1375935273_500x0.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2013/08/08/untitled-JPG-1375935273.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xs0EbVcuEcfZXdGNKoF5MA)
Status này nhận được rất nhiều sự ủng hộ của cộng đồng Facebook. Facebooker Hùng Thanh khẳng định: "Không biết mọi người thấy sao chứ nếu mình có giấy báo nghĩa vụ quân sự sẽ đi ngay và luôn, không chần chừ e ngại gì hết".
Nickname Ruby Mac nói: "Tôi mới gặp một cậu lính mới giải ngũ đến làm việc ở công ty, câu ấy tâm sự: cháu đi về ngơ ngáo, quên hết nghề cô ạ, nhưng cháu thấy yêu cuộc sống hơn, ăn ngủ rất điều độ, sức khoẻ thì khỏi chê, quân đội rèn dữ lắm cô ạ. Nhưng mà có nhiều người ra đời, thành đạt rồi, quay lại đơn vị cứ tìm các sỹ quan huấn luyện để cảm ơn, với lại muốn thăm đơn vị đấy cô ạ, tình cảm lắm, trong đơn vị ai có tài gì cũng được khích lệ động viên, vèo một cái hết 2 năm, trở lại với đời thấy tự tin hơn."
Trong khi đó, nickname Violette Nguyen chia sẻ: "Những người con trai nào nếu không có vấn đề đặc biệt về sức khỏe mà có ý định trốn tránh đi lính bằng mọi cách cũng như gia đình của những ai không muốn con mình nhập ngũ thì đó là những người vô trách nhiệm với đất nước họ sống, vô trách nhiệm với bản thân".
"Vì quá trình nhập ngũ rèn luyện rất nhiều trong việc hoàn thiện tính cách cá nhân cũng như trách nhiệm với con cái trong việc giúp những đứa con trai của mình trở thành những người đàn ông rắn rỏi hơn trong cuộc sống."
Tuy nhiên, không ít người đã có quan điểm trái ngược. Huy Vo cho rằng: "Trong thời bình, để cống hiến hay thể hiện tình yêu quê hương đất nước đâu phải chỉ có việc là đi nghĩa vụ quân sự? Mỗi người tùy thuộc vào khả năng và hoàn cảnh mà đóng góp khác nhau".
Còn X.L đặt ra câu hỏi: "Đi 1 năm rưỡi, liệu còn bao nhiêu người nhớ được kiến thức phổ thông? Bao nhiêu người còn động lực tiếp tục đi học đại học?".
>> Xem thêm: Đi nghĩa vụ quân sự vẫn có thể học tốt đại học
Habi tổng hợp
Chia sẻ bài viết của bạn về các vấn đề đời sống, xã hội tại đây.