Tại sự kiện ra mắt loạt sản phẩm mới vào tối 10/8, Lei Jun, người sáng lập và CEO Xiaomi, đã tuyên bố kế hoạch đầy tham vọng. Ông cho biết Xiaomi đặt mục tiêu đứng đầu thị trường smartphone trong ba năm tới.
Mục tiêu của Xiaomi cũng giống các đối thủ của mình cách đây vài năm. Huawei là cái tên từng đạt đến thành công đó, nhưng đã bị các lệnh cấm của Mỹ giới hạn. Hiện tại, công ty thậm chí còn không đứng trong top 5 các hãng smartphone toàn cầu, dù từng vươn lên dẫn đầu thị trường quý II năm ngoái.
Xiaomi đã đạt được thành tích ấn tượng thời gian qua. Theo dữ liệu từ IDC, Xiaomi đã xuất xưởng 53,1 triệu chiếc smartphone trong quý II, tăng 86,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 16,9% thị phần smartphone toàn cầu và chỉ kém Samsung khoảng 2% thị phần. Riêng tháng 6, Xiaomi lần đầu trở thành hãng smartphone bán chạy nhất toàn cầu với thị phần 17,1%, vượt Samsung (15,7%) và Apple (14,4%), theo Counterpoint Research.
"Nếu Xiaomi muốn giữ được vị trí hiện tại hay nhắm đến vị trí cao hơn, một mặt, hãng cần tiếp tục quảng bá danh mục sản phẩm trên phạm vi toàn cầu. Mặt khác, hãng phải tập trung hơn nữa vào mảng smartphone cao cấp ở nước ngoài", Wang Xi, Giám đốc nghiên cứu tại IDC Trung Quốc, cho biết.
Theo ông Xi, đây là chiến lược đã giúp Samsung đứng đầu thị trường bấy lâu nay. Công ty Hàn Quốc được biết đến nhiều nhất với dòng Galaxy cao cấp, nhưng hãng cũng xuất xưởng nhiều thiết bị cầm tay cấp thấp trên khắp thế giới.
Theo giới phân tích, mục tiêu trở thành hãng smartphone số một thế giới là điều hoàn toàn khả thi với Xiaomi, nhất là khi hãng tiếp tục củng cố vị thế đứng đầu của mình tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung là rào cản lớn nhất với Xiaomi, dù đầu năm nay hãng đã được chính quyền Tổng thống Joe Biden xóa khỏi "danh sách đen" liên quan đến quân đội Trung Quốc.
Theo số liệu của Canalys, lô hàng smartphone xuất xưởng hàng năm của Samsung trong hai năm qua là khoảng 300 triệu chiếc, trong khi Xiaomi là hơn 200 triệu chiếc mỗi năm. "Để thu hẹp khoảng cách với Samsung, việc bán hàng tại Trung Quốc là rất quan trọng", Nicole Peng, Phó chủ tịch mảng di động của Canalys, nhận định.
Theo ông Peng, số lô hàng smartphone của Xiaomi tại Trung Quốc trong 2 năm qua khoảng 40 triệu chiếc. Vì thế, nếu tăng gấp đôi tại thị trường quê nhà, Xiaomi sẽ tiến thêm một bước dài đến mục tiêu số một. Bên cạnh đó, hãng cũng cần tận dụng các cơ hội tại Trung Đông và châu Phi để gia tăng thị phần.
"Nếu Xiaomi không thể dành được thị phần tại Mỹ, công ty cần phải đứng ít nhất ở vị trí thứ hai ở các thị trường quan trọng khác, bao gồm Trung Quốc. Họ cũng sẽ phải cạnh tranh với các thương hiệu quê nhà, như Vivo, Oppo", Linda Sui, Giám đốc chiến lược về smartphone của Strategy Analytics, nhận xét.
Thành lập năm 2010, Xiaomi được biết đến là một hãng chuyên cung cấp smartphone cấu hình mạnh với giá phải chăng. Cách đây ba năm, hãng mới nghĩ đến một thiết bị cao cấp nhưng chỉ mới bước vào thị trường này năm ngoái với mẫu Mi 10. Đây cũng là mẫu có giá đắt nhất của hãng thời điểm đó - 3.999 nhân dân tệ (617 USD). Bất chấp đại dịch, Xiaomi đã bán được 5,77 triệu chiếc Mi 10, cao hơn mục tiêu ban đầu 2 triệu máy.
Với tín hiệu tốt từ Mi 10, Xiaomi sau đó ra mắt model cao hơn Mi 11 Ultra với giá từ 5.999 nhân dân tệ (910 USD). Gần đây, hãng cũng giới thiệu Mi Mix 4 với giá từ 4.999 nhân dân tệ (770 USD).
"Con đường tiến vào lĩnh vực smartphone cao cấp của Xiaomi mới chỉ bắt đầu", Lei Jun nói tại sự kiện kéo dài 3 tiếng hôm 10/8. "Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư bằng mọi giá. Tuy vậy, sẽ còn một chặng đường rất dài phía trước và ưu tiên hiện tại của Xiaomi là củng cố vị trí là nhà sản xuất smartphone số 2 thế giới".
Bảo Lâm (theo SCMP)