Sơn Viên - nơi tôi sinh trưởng - là một xã thuộc huyện miền núi Nông Sơn, Quảng Nam, người dân chủ yếu làm nông, trồng lúa. Với thời tiết khắc nghiệt của miền Trung, vụ mùa trúng ít, trật nhiều, nên nhà nào đủ sống từ hạt lúa là mừng.
Năm nay, bí thư xã đoàn Sơn Viên - anh Đỗ Duy Hoàng - gửi cho tôi danh sách 220 hộ thuộc diện bảo trợ xã hội kèm lời nhắn - bà con ở quê nhiều hoàn cảnh neo đơn, khó khăn lắm. Nhiều anh chị em đi làm ăn xa, thất nghiệp về quê sớm, hoặc khó khăn quá phải ở lại thành phố ăn Tết. Một năm nhiều khó khăn. Hậu Covid và chiến sự trên thế giới ảnh hưởng đến từng con người trong thời toàn cầu hóa. Thắt lưng buộc bụng là giải pháp mà những người trẻ, gia đình tha hương lao động ở các thành phố lớn chọn lựa để vượt qua đợt sóng của khủng hoảng.
Dịp cuối năm, những cuộc vận động quà Tết vẫn diễn ra và được hưởng ứng. Nhỏ nhiệm như chương trình mà tôi đang thực hiện cũng nhận về kha khá sự đồng hành. "Của ít lòng nhiều" là lời nhắn mà những bạn bè, người thân quen của tôi gửi kèm số tiền ủng hộ quà Tết cho người nghèo. Chân tình nào cũng dễ gây xúc động.
Dường như càng khó khăn, tinh thần sẻ chia của người Việt càng được đánh thức. Tôi nhiều lần chứng kiến và nhận về sự san sẻ như vậy ở những đợt vận động quà Tết cho người nghèo, công nhân xóm trọ khi đại dịch tràn về. Sống cho mình nhưng người Việt vẫn biết nghĩ cho người khó, người khổ xung quanh.
Quan niệm kiến tạo bình an bằng cách "sống lành" tôi một lần nữa lại được nghe khi tham dự một sự kiện tại tu viện Khánh An (quận 12, TP HCM) cách đây vài ngày. Thầy Trí Chơn, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP HCM, Viện chủ tu viện nói về bất an chung của nhân loại, từ chiến tranh đến đại dịch, từ khủng hoảng kinh tế đến môi trường ô nhiễm... Tất cả đều theo quy luật duyên sinh, cái này có cái kia có. Theo đó, khi một đốm cháy xuất hiện, nếu không biết cách dập tắt, nó sẽ cháy lan. Nỗi khổ niềm đau trong lòng ta và ở mỗi con người cũng vậy. Do đó, thầy nhắc, muốn có cuộc đời thật an, mình phải sống lành hàng ngày.
Sống lành từ ý nghĩ, lời nói, việc làm trong mọi mối quan hệ, việc làm, ứng xử với người thân người lạ, với môi trường sống, và với chính bản thân. Đó chính là sự tu tập tối thượng, làm cho người ấy trở nên có tình thương, hiểu biết, một cách nói khác của từ bi, trí tuệ.
Không hiểu điều này, đôi khi càng lo lắng cho tương lai, càng bất an với hiện tại, càng dựa dẫm trời Phật, càng yếu đuối hơn và sẽ càng khó vượt qua khó khăn.
Tha thứ cho người khác sẽ phần nào giúp con người vượt qua khó khăn. Nhưng yếu tố "tự lợi" - nương tựa vào chính mình, trong ý thức và nỗ lực thực hành điều thiện, sống lành trên cả ba phương diện (ý, miệng và thân) mới là cứu cánh.
Tôi cảm nhận được, trong khó khăn, sự sẻ chia và giúp đỡ người khó hơn mình chính là một nỗ lực sống lành. Ở mặt biểu hiện, có thể ta thấy mình đang trao đi, nhưng sâu thẳm trong việc làm ấy chính là đang nhận về từ cách ta góp phần làm cho cuộc sống bình hòa, an ổn nơi tha nhân. Ở ngay nơi cho đi, con người nhận về nhiều hơn giá trị đã ban trao. Cân bằng sẽ tạo ra lực của sự ổn định và nhanh chóng hồi phục, cùng tiến lên trong ý niệm: không ai bị bỏ lại phía sau.
Thanh tẩy tinh thần dịp cuối năm để đón một năm mới với hy vọng mới là việc cần thiết. Với tôi, cách thanh tẩy quan trọng nhất là vén được suy nghĩ tiêu cực, đừng để tâm rong ruổi quá khứ, từ đó, đoạn ác, làm lành (trong khả năng) với những việc lợi mình, lợi người.
Xí xóa cho người, trao cho mình cơ hội, kết nối lại tình thâm vì lý do gì đó nứt rạn trong năm qua, là những điều quý giá mà một người lạc quan chọn làm.
Lạc quan cũng là ứng xử từ bi có trí tuệ, bởi nhờ đó, con người cởi trói não phiền như cách bỏ tảng đá trên lưng mình xuống để không tốn sức vô bổ, để bắt đầu cho một năm sắp đến với ý niệm bay lên như rồng.
Thanh tẩy, suy cho cùng chỉ là việc trở về với nguyên thủy, về với đứa trẻ hồn nhiên chờ Tết, vui Tết, không quá lắng lo.
Lưu Đình Long