"Bà chủ" Trần Phương Mai. Ảnh: T.H. |
Hôm nay, trả lời HĐXX, nguyên phó giám đốc Công ty TNHH Hoàng Long, bị cáo Trần Phương Mai, cho rằng việc giả chữ ký của người khác để tự bổ nhiệm là phó giám đốc không phải là hành vi sai trái. Đó là công ty của bị cáo nên thích làm gì thì làm.
HĐXX tập trung thẩm vấn vợ chồng Trần Phương Mai cùng kế toán trưởng Công ty Hoàng Long về tư cách pháp nhân của công ty. Công ty TNHH mỹ nghệ sơn mài Hoàng Long được thành lập năm 1993 theo quyết định cấp phép của UBND TP HCM với vốn điều lệ là 1 tỷ đồng. Trần Phi Vân giữ chức chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc. Sau một thời gian hoạt động, công ty này xin Sở Kế hoạch và Đầu tư cho tăng vốn điều lệ và bổ sung ngành nghề kinh doanh, trong đó có kinh doanh ôtô, xe gắn máy. Thấy công ty hoạt động ngày càng "khấm khá", cần quản lý chặt chẽ nên ngày 19/5/1995, Trần Phương Mai (vợ của Vân) đã giả chữ ký của Trần Phi Vân trên quyết định bổ nhiệm chị ta giữ chức phó giám đốc công ty.
Trả lời HĐXX về hành vi trên, Trần Phương Mai tuyên bố "chẳng qua là công ty bị cáo đổ bể nên mới cho rằng việc giả chữ ký là sai phạm, chứ nếu không thì sao mà biết được". Bên cạnh đó, Mai cũng cho rằng, hành vi trên là không sai trái vì "đó là tiền của bị cáo. Sở dĩ bị cáo để chồng đứng tên làm giám đốc là trên thương trường người phụ nữ không có uy tín bằng đàn ông". Do vậy, mặc dù là cấp "phó" nhưng mọi hoạt động của công ty đều nằm dưới bàn tay điều hành của Trần Phương Mai. Ngay cả việc thuê Hà Tiến Danh là kế toán cho Công ty Hoàng Long cũng là vì "bị cáo không am hiểu nghiệp vụ kế toán chứ nếu biết thì bị cáo cũng đã kiêm luôn chức kế toán của công ty".
Có vợ điều hành nên Trần Phi Vân chỉ như một "con rối" trong vai trò quản lý. Chức danh giám đốc Công ty Hoàng Long của Vân là do bị "vợ ép nên phải làm". Đối với vai trò là sáng lập viên, Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Tân Việt, Trần Phi Vân cho biết "thỉnh thoảng bị cáo có họp vài lần, nhưng không có hoạt động gì trong Hội đồng quản trị, đồng thời cũng không nắm bắt được điều lệ của ngân hàng”. Việc Trần Phi Vân ký một số giấy tờ như hợp đồng ủy thác cho một số đơn vị nhập khẩu xe, ký văn bản xin gia hạn thời hạn thanh toán gửi Ngân hàng Tân Việt... là theo “lệnh” của vợ và do tin tưởng một số cán bộ ngân hàng nên ký đại mà không cần kiểm tra.
Vai trò làm "sếp" của Vân khá lu mờ nên đến năm 2000, Trần Phi Vân đã ký văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị chấp nhận Trần Phương Mai làm giám đốc thay Vân và được phía Sở đồng ý. Từ đây, Mai tiếp tục sử dụng nhiều thủ đoạn để rút tiền ngân hàng Tân Việt nhét túi riêng.
Đối với các cựu lãnh đạo của Ngân hàng Tân Việt, khi được thẩm vấn đều thừa nhận: do tin tưởng vợ chồng Trần Phương Mai nên đã không kiểm tra thực tế tài sản, không làm thủ tục công chứng thế chấp tài sản, không quản lý bộ chứng từ nhập khẩu xe ôtô và hàng hóa theo quy định mà giao cho công ty Hoàng Long tự thực hiện.
Các cán bộ ngân hàng này trong thời gian "tại vị" đều tham gia mở L/C thanh toán trả chậm cho Công ty Hoàng Long, nhưng bỏ qua các quy định về việc mở L/C. Bị cáo Nguyễn Phi Kiên, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Tân Việt thừa nhận: “Trong thời gian làm chủ tịch Hội đồng quản trị, bị cáo đều tham gia vào những lần kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước đối với Ngân hàng Tân Việt và nắm rõ những khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước đối với phía Tân Việt”, nhưng vẫn mở L/C cho Công ty Hoàng Long mà không cần tài sản thế chấp.
Nguyên tổng giám đốc ngân hàng Vũ Ngọc Long thì khai nhận: lúc nhận chức tổng giám đốc (khoảng năm 1997), ngân hàng đã hoạt động không có lãi, một số khách vay không trả lãi, nhưng lại "tin anh em" nên khi công ty Hoàng Long xin mở L/C, cấp dưới chỉ cần tờ trình là cấp trên ký duyệt.
Các bị cáo nguyên là quan chức Ngân hàng Tân Việt khác đều thừa nhận có tham gia mở L/C cho Công ty Hoàng Long mà bỏ qua hai quy định: phải có tài sản thế chấp và phương án kinh doanh. Tất cả những sai phạm trên được giải thích bằng sự "cả tin".
Hải Thanh