Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình ngày 13/3 có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội một số nội dung liên quan vấn đề chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ông Hòa Bình cho biết hiện nay TAND chưa được đầu tư, lắp đặt trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến đồng bộ. Một số tòa án thuê thiết bị xét xử rất tốn kém, trong khi đó kinh phí cho nội dung này không được bố trí.
Bên cạnh đó, phần lớn cơ sở giam giữ chưa được trang bị, lắp đặt thiết bị nên tòa án phải phối hợp với cơ sở giam giữ mượn hoặc thuê thiết bị. Trong thời gian chờ Chính phủ cấp kinh phí trang bị cơ sở vật chất, TAND Tối cao chỉ đạo tòa án các cấp khắc phục khó khăn để bảo đảm triển khai.
Về lâu dài, Chánh án TAND Tối cao đề nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội sớm có ý kiến để Chính phủ cấp kinh phí trang bị cơ sở vật chất triển khai phiên toà trực tuyến; đề nghị Bộ Công an sớm bảo đảm nguồn lực lắp đặt trang thiết bị tại cơ sở giam giữ.
Tính đến hết tháng 2/2023, ba TAND cấp cao, 63 TAND cấp tỉnh và 581 TAND cấp huyện đã tổ chức xét xử trực tuyến hơn 5.400 vụ án, trong đó có gần 4.400 vụ hình sự.
Ngày 20/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án và kiểm sát. Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình chịu trách nhiệm trả lời chính nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tòa án. Viện trưởng VKSND Tối cao, Bộ trưởng Công an, Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nội dung được lựa chọn chất vấn gồm giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết vụ án, nhất là án hành chính, hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; công tác cán bộ; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của thẩm phán và công chức ngành; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành.
Bên cạnh đó, Chánh án TAND Tối cao sẽ tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ; triển khai thi hành nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, chuẩn bị điều kiện xét xử trực tuyến.