Thông tin được Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng nói tại buổi họp báo về công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn chiều 20/9. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh thành phố ghi nhận 336.500 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư và trải qua ngày thứ 29 siết chặt giãn cách.
Ông Hưng cho biết, sáng nay, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 đã ban hành văn bản khẩn số 3113 về việc tiếp tục xét nghiệm và một số biện pháp phòng, chống Covid-19. Quyết định này dựa trên chỉ đạo của Thủ tướng và công điện của Bộ Y tế về công tác lấy mẫu xét nghiệm trong thời gian giãn cách xã hội.
Theo đó, Ban chỉ đạo UBND các quận, huyện tiếp tục triển khai xét nghiệm; xác định công tác xét nghiệm đóng vai trò then chốt; chịu trách nhiệm chủ trì triển khai xét nghiệm nhanh chóng, an toàn. Các địa phương triển khai lấy mẫu thần tốc để tách nhanh nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời. Trong đó căn cứ kết quả đánh giá, phân loại lại vùng nguy cơ sau ngày 14/9.
Cụ thể, với vùng đỏ (nguy cơ rất cao) và vùng cam (nguy cơ cao) được xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn cho toàn bộ người dân, trừ các trường hợp F0 trong 14 ngày gần nhất và F0 đã xuất viện hoặc khỏi bệnh. Tần suất lấy mẫu lặp lại 2 ngày, liên tục 3 lần trong 7 ngày.
Tại vùng xanh và vàng (nguy cơ thấp) sẽ thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn cho mẫu đại diện hộ gia đình. Trong đó, mẫu đại diện đợt sau phải khác với mẫu đại diện ở đợt trước, ưu tiên chọn người chưa tiêm vaccine, có tiếp xúc nhiều, không chọn người đại diện đã từng là F0.
Các hộ gia đình đã có ca dương lần trước sẽ không lấy mẫu ở những lần giám sát xét nghiệm tiếp theo. Toàn bộ hộ gia đình của ca dương tính được quản lý, theo dõi theo quy định. Nếu phát sinh ca dương tính mới trong hộ gia đình sẽ tiếp tục cập nhật vào hệ thống giám sát, chăm sóc, điều trị. Các hộ gia đình có ca dương phải được căng dây phong tỏa và dán biển đỏ cảnh báo trước cửa.
Ban chỉ đạo chống Covid-19 thành phố yêu cầu các địa phương tiếp tục chia nhỏ địa bàn và tổ chức nhiều đội lấy mẫu phù hợp; huy động, tăng cường nhân lực tại địa phương... Ngành y tế có thể triển khai, hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm. Cán bộ y tế hoặc tình nguyện viên phát test nhanh tới hộ gia đình, giám sát xét nghiệm, ghi nhận kết quả, thống kê, báo cáo. Người lấy mẫu tuân thủ 5K, đúng quy định vệ sinh khử khuẩn, thay đồ bảo hộ... tránh lây nhiễm chéo.
Để đảm bảo công tác xét nghiệm được thực hiện "thần tốc", thành phố giao Sở Nội vụ tham mưu đề xuất Chính phủ hỗ trợ 5.000 nhân sự tham gia công tác xét nghiệm tại thành phố từ nay đến ngày 30/9. Đồng thời, Thành đoàn huy động 1.000 đoàn viên, thanh niên tham gia lấy mẫu, cấp test xét nghiệm cho người dân.
"Theo thống kê, ngày đầu chỉ 25% người dân/hộ gia đình có thể tự lấy mẫu cho nhau. Hiện, tỷ lệ hộ gia đình có thể tự lấy mẫu là 75-80%", ông Hưng cho biết.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, cho biết thành phố có khoảng 2,3 triệu hộ dân. Qua đợt lấy mẫu xét nghiệm thứ 4, thành phố xác định vùng xanh và cận xanh là khoảng 1,2 triệu hộ; vàng là 300.000 hộ; cam là 200.000 hộ; đỏ là 500.000 hộ. Sau mỗi vòng, số hộ trong vùng nguy cơ sẽ thay đổi tùy theo kết quả xét nghiệm.
Theo Sở Y tế thành phố, từ ngày 27/4 đến 15/9, TP HCM lấy tổng cộng gần 2 triệu mẫu xét nghiệm RT-PCR và 9,5 triệu mẫu test nhanh kháng nguyên.
Hữu Công