Takaaki Hirotsu, Chủ tịch Công ty Hirotsu Bio Science, Tokyo, hôm 17/12 cho biết bộ xét nghiệm này sẽ được ứng dụng lần đầu trong tháng 1 tới tại Nhật. Nhiều bệnh viện và phòng khám yêu cầu được sử dụng bộ xét nghiệm, theo ông Takaaki.
Trước đó, công ty này đã tiến hành thí nghiệm lâm sàng với các bệnh nhân mắc 9 loại ung thư khác nhau, trong đó có ung thư vú, phổi, dạ dày, đại tràng, tuyến tụy. Kết quả, chỉ với một giọt nước tiểu, giun tròn có thể ngửi mùi và phát hiện các tế bào ung thư giai đoạn đầu với độ chính xác 85%.
Với bộ xét nghiệm, bệnh nhân không cần làm sinh thiết hoặc lấy máu vẫn có thể biết mình có mắc bệnh hay không. Tuy nhiên bộ xét nghiệm này không xác định được loại ung thư.
Theo New Scientist, nhóm nhà nghiên cứu Nhật Bản bắt đầu nghiên cứu khả năng ngửi mùi ung thư của loài giun tròn Caenorhabditis elegans từ năm 2015, sau khi phát hiện một loại ấu trùng bám vào khối u ung thư trong dạ dày bệnh nhân 63 tuổi. Một vài trường hợp tương tự về ấu trùng giun đũa ký sinh gần các tế bào ung thư cũng được báo cáo.
Trong các thí nghiệm, ấu trùng giun tròn được đặt vào đĩa chứa tế bào ung thư được nuôi cấy và các tế bào thường. Kết quả, ấu trùng di chuyển về phía các tế bào ung thư. 96% thời gian các ấu trùng giun cũng di chuyển tới phía các tế bào ung thư khi được thả vào nước tiểu chứa tế bào ung thư và tế bào thường.
Một số động vật cũng được chứng minh có khả năng phát hiện những thay đổi trên cơ thể bệnh nhân ung thư bằng thính giác. Nhiều chú chó đã được huấn luyện để phát hiện ung thư bằng cách ngửi mùi nước tiểu, phân và hơi thở của bệnh nhân.
Lê Hằng (Theo NHK, News Week)