Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có diện tích rất nhỏ và mật độ khám chữa bệnh khá cao. Chính vì vậy, ngay từ khi có tin về dịch trước Tết, chúng tôi đã triển khai nhiều phương pháp phòng chống, như tập huấn cung cấp kiến thức phòng bệnh, lắp đặt máy quét thân nhiệt tự động, xây khu sàng lọc, cách ly, thành lập ban chỉ đạo, đội phản ứng nhanh, cấp cứu ngoại viện... Nhiều kịch bản được xây dựng. Nhưng thú thật, với con virus quái lạ này chúng ta không thể lường trước mọi điều.
Một nhân viên bệnh viện chúng tôi khai báo có yếu tố dịch tễ đi chăm bố ốm ở bệnh viện Bạch Mai cách đây 12 ngày. Ngay lập tức, tôi đã mời chuyên gia truyền nhiễm sàng lọc. Thật may, bố của em được xét nghiệm RT-PCR (lấy dịch tỵ hầu) âm tính lần một, bản thân em cũng tự cách ly tại nhà.
Mọi chuyện tưởng đã yên. Nhưng hôm kia em sốt và đau họng. Với hiểu biết của nhân viên y tế, em tự nguyện ra phường làm xét nghiệm nhanh đúng theo hướng dẫn. Lúc 11 giờ 30 có kết quả dương tính với kiểm tra nhanh qua lấy máu. Tôi bảo em bình tĩnh ngồi nhà đợi kết quả RT-PCR của CDC Hà Nội. Đến 16 giờ, em báo tin kết quả RT-PCR dương tính.
Sau một phút "thần người", tôi quyết định khởi động quy trình đã chuẩn bị sẵn khi có nhân viên y tế bị phơi nhiễm. Rà soát, khoanh đối tượng tiếp xúc gần để lấy mẫu ngay buổi chiều, cách ly tại chỗ, khử khuẩn bệnh viện, dừng bệnh nhân xuất viện, ngừng tiếp nhận bệnh nhân mới... Đến 17 giờ 30, chúng tôi mới biết là có sự nhầm lẫn khi nghe báo kết quả RT-PCR qua điện thoại. Kết quả này phải đến ngày mai mới có. Chúng tôi không thể chờ đợi trong lo âu thêm nữa, dù chỉ là một ngày, biết bao bệnh nhân đang cần chúng tôi cứu chữa. Chúng tôi quyết định làm lại xét nghiệm ngay bằng hệ thống RT-PCR của bệnh viện mình. Một nhóm lấy mẫu được cử đến nhà bạn nhân viên. Chiếc xe cứu thương lại lao vun vút trên đường.
19 giờ 30, chỉ trong vòng hai giờ đồng hồ, mọi công việc đã hoàn tất với thái độ chuyên nghiệp của tất cả nhân viên bệnh viện cũng như các bác bảo vệ, cô lao công. Mọi người ở nguyên các vị trí và hồi hộp đợi kết quả. Những hộp cơm nóng hổi trên bàn mà chẳng ai muốn ăn. Tất cả chỉ thầm cầu mong may mắn đến với chúng tôi và cho cả Hà Nội đang oằn mình chống dịch.
22 giờ 10 phút, tôi không thể quên được giọng nói của giáo sư trưởng bộ phận xét nghiệm nhà trường qua điện thoại: "Anh ơi âm tính tất cả rồi!". Cảm giác vỡ òa, tôi chỉ muốn hét thật to và ôm thật chặt cậu điều dưỡng trưởng đang ngồi cạnh. Âm tính cả bạn nhân viên và tất cả những người tiếp xúc gần. Chúng tôi nhìn nhau, ánh mắt nở nụ cười, ngón tay cái giơ cao và cùng nhảy lên chụp một tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc không thể nào quên.
Khi cảm xúc đã chùng xuống, nghĩ lại cuộc "diễn tập" chiều tối hôm qua mà thấy tự hào vì đồng đội của mình. Những người vẫn bình tĩnh nghe hiệu lệnh, nhẹ nhàng chia tay gia đình, xách vali vào bệnh viện rồi cũng thanh thản quay lại nhiệm vụ hàng ngày không một lời phàn nàn trách cứ. Anh điều dưỡng hết ca trực vừa từ viện về, chưa kịp ôm con lại vội ra đi với lời hẹn "bố về sau hai tuần nữa", chị y công tâm sự chẳng lo gì vì đã xác định điều ấy cũng sẽ xảy ra, anh bạn thân tôi lao vào viện trong đêm, tình nguyện cùng cách ly để hỗ trợ ăn uống cho y bác sĩ...
Tuy vậy, trong tôi vẫn còn một băn khoăn là xét nghiệm nhanh do CDC Hà Nội thực hiện. Đây là phương pháp mới triển khai nhưng rõ ràng hiệu quả cần bàn luận. Sức lực của anh em CDC bỏ ra là rất lớn. Chúng tôi cũng là đơn vị đi lấy mẫu rà soát ở sân bay, bệnh viện Bạch Mai nên hiểu rất rõ những vất vả này. Tuy nhiên, tỷ lệ dương tính được xét nghiệm lại bằng phương pháp RT-PCR là âm tính chiếm tất cả các mẫu cho đến thời điểm này. Trong Y học, chúng tôi có thể gọi là dương tính giả trong chẩn đoán bệnh.
Tìm hiểu kỹ, tôi thấy tỷ lệ âm tính giả cũng có và không phải nhỏ ở những bệnh nhân mới nhiễm Covid-19 mà cơ thể chưa kịp sản sinh ra kháng thể. Nguyên lý của xét nghiệm nhanh đang được CDC Hà Nội sử dụng nhằm phát hiện sự có mặt của kháng thể IgM/IgG kháng Sars-Cov-2 tồn tại trong máu của đối tượng được xét nghiệm. Giai đoạn đầu của nhiễm virus, 3 đến 7 ngày tùy thuộc vào từng bệnh nhân, cơ thể chưa sản sinh đủ kháng thể kháng Sars-Cov-2 nên xét nghiệm nhanh lúc này cho ra kết quả âm tính. Trong khi ở giai đoạn này, bệnh nhân hoàn toàn có khả năng lây truyền virus ra cộng đồng mà chỉ xét nghiệm RT-PCR mới chẩn đoán được.
Khi kết qủa xét nghiệm nhanh IgG/IgM dương tính thì có thể nói đối tượng đã từng nhiễm virus, nhưng liệu còn tồn tại virus trong cơ thể hay không thì vẫn phải thực hiện phản ứng RT-PCR để khẳng định. Ngoài ra, giá trị của kết quả dương tính này còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố gây nhiễu, ví dụ như có phản ứng chéo với các virus khác hay không. Tôi rất lo lắng khi đọc những dòng "người dân mừng rỡ khoe kết quả xét nghiệm nhanh Covid-19". Liệu những người nhận kết quả âm tính này có tiềm tàng nhiễm virus song không được giải thích cặn kẽ của bác sỹ chuyên ngành sẽ chủ quan mà nơi lỏng các liệu pháp phòng hộ hay không?
Qua trao đổi với Giáo sư trưởng phòng xét nghiệm sinh học phân tử lớn của Hàn Quốc, quê hương của các loại xét nghiệm nhanh, tôi được biết họ sử dụng rộng rãi xét nghiệm RT-PCR với số lượng lên tới 12.000 xét nghiệm mỗi ngày. Phòng lab của giáo sư mà tôi liên lạc thực hiện 4.000 xét nghiệm một ngày. Còn xét nghiệm nhanh có triển khai nhưng giá trị thật sự hạn chế.
Chính vì vậy, với các xét nghiệm nhanh bằng lấy máu tìm kháng thể, theo tôi cần rà soát, thống nhất lại chỉ định, quy trình lấy mẫu và thông báo kết quả. Ví dụ, xét nghiệm nhanh sẽ được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp khi bệnh nhân cần mổ cấp cứu không trì hoãn mà có yếu tố dịch tễ; hay khi có ổ dịch khu trú cần kiểm tra nhanh để dự đoán mức độ nguy hiểm; hay áp dụng khi tiếp nhận bệnh nhân mới tại các bệnh viện để tránh ảnh hưởng đến đội ngũ cán bộ y tế đang cần bảo toàn cho công cuộc chống dịch còn dài... Tuy nhiên, cần ưu tiên làm lại ngay bằng xét nghiệm RT-PCR để chẩn đoán chính xác dương tính trước khi chúng ta tìm kiếm, cách ly tiếp các F1, F2 làm ảnh hưởng đến hàng trăm hay hàng ngàn người, tiêu tốn nhân lực y tế và sinh phẩm, ảnh hưởng đến tâm lý cộng đồng.
Chúng ta đang nỗ lực làm rất tốt công cuộc chống dịch. Tuy nhiên, đây là dịch bệnh xảy ra lần đầu tiên trong lịch sử nên diễn biến và cách xử trí có thể thay đổi cho phù hợp mỗi thời điểm. Dù chúng ta cùng một ý nguyện sớm đẩy lui dịch bệnh, nhưng nếu thấy chưa hợp lý, cần khẩn trương chuyển đổi cách thực thi. Đó mới là cách làm vừa có tâm vừa có tầm.
Nguyễn Lân Hiếu