"Xét nghiệm là chiến lược cực kỳ quan trọng trong giai đoạn hiện nay để phát hiện sớm các ca nhiễm. Các ca nhiễm hiện nay được phát hiện chủ yếu trong bệnh viện. Nếu không phát hiện sớm ca nhiễm thì sẽ phải tiến hành cách ly toàn bộ bệnh viện", ông Khuê nói tại cuộc họp.
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu các địa phương phải tăng tốc xét nghiệm hơn. "Mạnh mẽ hơn, quyết liệt và nhanh hơn nữa", ông Long nhấn mạnh. Ngày 1/8, số lượng xét nghiệm đã cao hơn cả thời gian cao điểm nhất trong tháng 4 (thời điểm có lượng xét nghiệm rất lớn). Tuy nhiên, ông Long cho rằng vẫn phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ xét nghiệm, nhanh chóng sàng lọc cộng đồng, kịp thời phát hiện ca nhiễm và khoanh vùng, cách ly, dập dịch.
Khoảng 1,4 triệu người từng đến Đà Nẵng trong một tháng qua (tính từ ngày 1 đến 29/7), 800.000 lượt người đến khám và chữa bệnh, thăm thân ở ba bệnh viện Đà Nẵng. Số này sau đó tỏa đi các địa phương cả nước, mang theo mầm bệnh. Do đó, Quyền Bộ trưởng đề nghị các địa phương phải tăng tốc xét nghiệm sàng lọc nCoV.
Các cơ sở y tế, đặc biệt Sở Y tế, phải tiến hành tập huấn ngay cho nhân viên về cách thức lấy mẫu, cách phòng lây nhiễm. Cho phép các cơ sở y tế tư nhân tham gia xét nghiệm nCoV, để tăng năng lực xét nghiệm tại địa phương.
Tại họp trực tuyến, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội và TP HCM đều cho biết đang đẩy mạnh xét nghiệm nCoV cộng đồng. Theo đó, công suất xét nghiệm tại Hà Nội được nâng lên 3.000 mẫu, TP HCM 9.000 mẫu một ngày.
Đại diện Sở Y tế TP HCM cho biết thành phố hiện điều trị 8 bệnh nhân, trong đó chỉ "bệnh nhân 510" có biểu hiện mệt, có đờm. Đến chiều 1/8, 90 trong số 162 trường hợp có triệu chứng viêm đường hô hấp được cách ly theo dõi, kết quả xét nghiệm âm tính. Công suất xét nghiệm tối đa của tất cả đơn vị trên địa bàn trong một ngày là 8.000-9.000 mẫu.
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị TP HCM lập danh sách tất cả bệnh viện được đón tiếp bệnh nhân, các đơn vị làm được xét nghiệm nCoV, xây dựng kế hoạch chi tiết, khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh làm xét nghiệm nCoV. Nơi nào đã có đủ máy móc, trang thiết bị thì có thể triển khai xét nghiệm. Trường hợp phát hiện dương tính sẽ chuyển mẫu đến Viện Pasteur TP HCM để xét nghiệm khẳng định.
"Thành phố không được để tình trạng người dân gọi điện đến cơ sở A, cơ sở B để được xét nghiệm nhưng phải đợi 3-4 ngày", ông Long yêu cầu.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ước tính đến hiện thành phố ghi nhận hơn 72.000 trường hợp từ Đà Nẵng về. Hà Nội đã thực hiện test nhanh cho gần 50.000 người. Về năng lực xét nghiệm, thống kê bước đầu trong số 600 cơ sở ký hợp đợp đồng với bảo hiểm xã hội, thì 10 đơn vị có khả năng xét nghiệm PCR, bao gồm 3 bệnh viện tư nhân. Tối đa công suất của tất cả đơn vị trên địa bàn là 3.000 xét nghiệm một ngày.
Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện siết chặt kiểm soát nhiễm khuẩn, kiểm soát số lượng người ra vào bệnh viện, khai báo y tế, phòng chống lây nhiễm trong bệnh viện...
Ngành y tế Hà Nội đề nghị Bộ Y tế cấp thêm test nhanh để sàng lọc tiếp những trường hợp trở về từ Đà Nẵng. Bộ cần thông báo danh sách các đơn vị có khả năng cung cấp sinh phẩm xét nghiệm, giá cả tham khảo khi mua sắm để tránh tình trạng mỗi địa phương một giá.
Ông Long đề nghị Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội chủ động tập huấn về an toàn sinh học cho tất cả đơn vị trên địa bàn, không đợi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Quyền Bộ trưởng cũng khẳng định Bộ không cấp test nhanh, mà khuyến khích làm xét nghiệm PCR. Tất cả những đơn vị có ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội trên địa bàn phải thực hiện được xét nghiệm này. Về vấn đề giá, Hà Nội tự hướng dẫn các đơn vị mua sắm sinh phẩm để xét nghiệm, không mua tập trung.
Quyền Bộ trưởng đề nghị các phương chủ động trong việc mua sắm sinh phẩm xét nghiệm, không chờ đợi.