Thời gian gần đây có thông tin Lịch sử sẽ không còn là môn bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phải nói rằng cắt giảm số môn học bắt buộc là việc làm hết sức tiến bộ vì sẽ giảm tải cho học sinh, tạo điều kiện cho học sinh đi vào chiều sâu các môn học yêu thích và tập trung hơn vào sở trường của mình. Tuy nhiên, cũng như bao người yêu môn Lịch sử khác, tôi cho rằng việc biến môn Lịch sử trở thành một trong những môn học tự chọn là không hợp lý và sẽ chẳng khác nào "xoá sổ" môn này.
Đúng là Bộ Giáo dục không nói rằng môn Lịch sử sẽ bị xoá sổ, nhưng nếu nó trở thành môn tự chọn thì cũng chẳng khác gì bị xoá sổ cả. Tại sao? Bộ Giáo dục cho rằng đây là môn học sinh có thể bỏ qua vì theo thống kê của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, trong hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2015, chỉ 153.600 em đăng ký thi môn Sử. Như vậy tức là kể cả khi môn Lịch sử đang là môn bắt buộc thì cũng chỉ có khoảng 1/10 em quan tâm tới môn Sử. Vậy không biết nếu chúng ta cho phép các em bỏ qua môn Sử khi còn học phổ thông thì sẽ còn được bao nhiêu em đăng ký thi môn Sử trong các kỳ thi THPT quốc gia sắp tới?
Chắc chắn con số sẽ còn giảm sút và đáng thất vọng hơn nhiều so với hiện tại vì học sinh sẽ càng thiếu động lực để học Sử. Kể cả Bộ Giáo dục có tích hợp môn Sử vào một bộ môn khác thì vẫn gửi đi một thông điệp tới các em rằng Sử không quan trọng vì rõ ràng những môn quan trọng như Toán, Văn đâu có bị ghép chung vào với môn nào khác? Thế nên tôi hoàn toàn đồng tình với GS Phan Huy Lê và cho rằng đây là một điều hết sức nguy hiểm, có thể gây hậu quả khôn lường cho cả một thế hệ thanh niên Việt Nam.
Thứ nhất, kiến thức lịch sử vững vàng là nền tảng của lòng tự hào dân tộc tỉnh táo. Các bạn học giỏi Sử sẽ biết được những thành tựu mà cha anh ta đạt được trong quá khứ và sẽ hiểu được rằng chúng ta đang ngày một tiến bộ hơn, cuộc sống bây giờ đã hơn trước kia rất nhiều. Hiểu được điều đó, các bạn sẽ có lý do chính đáng để cảm thấy tự hào về đất nước của mình và thấy có động lực để tiếp tục xây dựng và phát triển nó hơn nữa.
Ngược lại, nếu không am hiểu về lịch sử, có thể các bạn sẽ thấy mọi thứ rất bi quan, rằng Việt Nam bây giờ thua kém tất cả quốc gia khác và vì vậy chẳng có lý do gì để đóng góp cho quê hương. Nhưng trong lịch sử mỗi lần đất nước lâm nguy thì cái đã giúp chúng ta vượt qua được mọi khó khăn để giành chiến thắng chính là tình yêu đất nước và lòng tự hào dân tộc bất diệt. Nếu mất đi điều đó, lần tiếp theo đất nước lâm nguy chúng ta sẽ phải làm sao đây?
Thứ hai, quá khứ, hiện tại và tương lai có mối quan hệ chặt chẽ và mật thiết với nhau. Các bạn có thể theo dõi thời sự hàng ngày và nắm rất rõ số người thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố của IS nhưng nếu không có kiến thức lịch sử làm sao các bạn biết được IS là ai, họ từ đâu tới và vì sao họ lại là một nhóm khủng bố vũ trang nguy hiểm đến vậy? Trên thực tế thì mọi sự kiện xảy ra đều có nguyên nhân và đều dẫn đến một hậu quả nào đó, chứ không "tự nhiên xảy ra". Thế nhưng nếu không có kiến thức lịch sử thì làm sao chúng ta biết được nguyên nhân mà đối phó? Đi tìm giải pháp mà không hiểu biết căn nguyên thì chẳng khác gì bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân mà không buồn xem tiền sử bệnh án.
Điều mà chúng ta thật sự cần không phải là cho các em quyền chọn học môn Sử hay không mà là làm thế nào để khiến các em có hứng thú với giờ học Lịch sử. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục bắt học sinh nhớ từng ngày từng tháng, từng sự kiện lịch sử, bắt học sinh nhớ xem bao nhiêu máy bay, bao nhiêu tăng, bao nhiêu lính thiệt mạng trong một trận đánh thì đương nhiên là học sinh sẽ chẳng bao giờ yêu nổi môn Lịch sử.
Con người không phải cái máy tính và trí óc của các em không phải những cái ổ cứng mà chúng ta có thể nhập dữ liệu vào như vậy được. Ngược lại chúng ta phải cho các em được tự do thảo luận trong lớp, cho phép được nêu quan điểm cá nhân rồi khuyến khích các em tìm hiểu thêm, sử dụng các nguồn tư liệu ngoài sách giáo khoa bởi chỉ có như vậy mới khuyến khích được sự hào hứng và thích thú trong lòng mỗi học sinh. Khi học sinh thấy yêu môn học của mình, tự khắc mọi dữ kiện lớn bé sẽ vào đầu.
Tôi chẳng bao giờ tìm cách học thuộc lòng các con số để đi thi nhưng vẫn biết rằng Tết Mậu thân là năm 1968 và tổng số lính Mỹ thiệt mạng ở Việt Nam rơi vào khoảng 58.000, hay lính Mỹ cuối cùng rút ra khỏi Việt Nam vào tháng 3 năm 1973. Cũng như các bạn, tôi không giỏi đặc biệt gì nhưng một người yêu thích môn Lịch sử thật sự thì sẽ có động lực để tự tìm đọc các nguồn tư liệu khác nhau để trau dồi sự hiểu biết, mà đọc nhiều thì kể cả tiểu tiết, con số cũng sẽ "ngấm" vào đầu. Thế nên thay vì né tránh vấn đề gốc rễ bằng cách xoá sổ môn Sử, chúng ta hãy dành thời gian suy nghĩ xem phải làm thế nào để khiến môn Sử thu hút được học sinh.
Cuối cùng, có một câu châm ngôn nổi tiếng của triết gia George Santayana mà có lẽ tất cả chúng ta cần ghi nhớ: “Kẻ nào không nhớ quá khứ chắc chắn sẽ tái phạm lỗi lầm”. Dù dưới bất kỳ hình thức gì đi nữa thì bỏ đi môn Lịch sử sẽ là một sai lầm to lớn bởi chúng ta sẽ đào tạo ra một thế hệ công dân không nhớ tới quá khứ và cội nguồn của mình.
Hiện nay, môn Lịch sử với Tiếng Việt - Văn học, Toán đều được coi là những môn học cơ bản, bắt buộc trong hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam. Nhưng theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, môn Lịch sử được tích hợp vào các môn khác. Ở lớp 1, 2, 3 là môn "Cuộc sống quanh ta"; lớp 4, 5 là "Tìm hiểu xã hội", THCS là "Khoa học xã hội" và THPT là môn "Công dân với Tổ quốc". |
Ngô Di Lân