Chủ nhật, 13/4/2025
Thứ sáu, 3/2/2023, 14:19 (GMT+7)

Xếp hàng chui qua tượng ngựa cầu may

TP HCMHai ngày trước Tết Nguyên tiêu, nhiều người đến chùa Ông (quận 5) hành lễ và chui qua bụng tượng ngựa để cầu mong may mắn, tài lộc.

Sáng 3/2 (13 tháng Giêng) nhiều người Hoa ở khu vực Chợ Lớn và du khách tấp nập viếng chùa Ông, làm lễ đức Quan Thánh đế quân, mong cầu may mắn, phước lành trong năm mới.

Chùa Ông, còn gọi là Miếu Quan Đế hoặc Hội quán Nghĩa An là hội quán của người Triều Châu và Hẹ sang Việt Nam sinh sống, được xây dựng khoảng đầu thế kỷ 19. Chùa thờ Quan Công (hay Quan Thánh đế quân), một nhân vật thời Tam Quốc có tấm lòng trung nghĩa và chí khí anh hùng.

Ngày vía Quan Thánh Đế Quân tại chùa diễn ra vào 13 tháng Giêng và 24/6 Âm lịch. Theo quan niệm, đây là ngày sinh và hiển thánh của Quan Công nên cũng là hai lễ cúng quan trọng nhất của hội quán trong năm.

Ở vị trí trung tâm chính điện có gian thờ Quan Thánh đế quân là khu vực quan trọng nhất của chùa. Mọi khách hành hương khi tới đây đều bỏ giày dép bên ngoài để vào dâng lễ (bánh, trái cây, thịt quay, dầu...) và quỳ khấn trước tượng Quan Công.

Chùa cũng có một gian thờ dành riêng cho ngựa Xích Thố, con chiến mã của Quan Công. Sau khi thắp hương đủ các điện, người hành lễ xếp hàng chờ chui qua bụng ngựa gỗ.

"Dân gian quan niệm, đàn ông chui sang bụng ngựa Xích Thố 7 lần, đàn bà là 9 lần sẽ gặp nhiều may mắn, phước lành trong năm mới. Vì vậy, dịp lễ Tết và ngày rằm rất đông khách tới viếng chùa", ông A Quang, 65 tuổi, ngụ quận 5 cho biết.

Sau khi chui đủ các vòng, người lễ bái cũng rung chiếc chuông trước cổ ngựa hoặc vuốt cổ ngựa. Người Hoa tin rằng, tiếng leng keng vang vọng sẽ đem lại may mắn suốt cả năm cho người tự tay rung quả chuông.

Ngoài chui qua bụng ngựa, nhiều khách cũng vái lạy, vuốt tay vào tượng Mã Thầu Tướng Quân (hay Mã Đầu Tướng Quân) người từng chăm sóc ngựa của Quan Công.

Hoàng Sơn, 27 tuổi chụp lại khoảnh khắc gia đình chui qua bụng ngựa cầu an. Từ Bạc Liêu lên dâng hương chùa Ông, nam thanh niên, cho biết đây là lần đầu cả nhà thực hiện nghi thức. "Tôi biết tục này từ lâu nên nay có dịp ghé hành lễ luôn. Với người Hoa, ngôi chùa này rất linh thiêng, ai cũng muốn thăm viếng dịp đầu năm", Sơn nói.

Nhiều người Hoa khác ở TP HCM đến chùa trong ngày vía để thỉnh tượng Quan Công về nhà thờ. Ông Trần Thanh Hữu, quận 5 mang theo đủ bộ tượng tam thánh gồm: Quan Công, Quan Bình và Châu Xương đến hành lễ.

"Mọi người đến thỉnh tượng phải mang đủ bộ rồi dâng lễ ở chính điện nơi thờ đức Quan Thánh Đế Quân, có vậy thờ cúng mới linh thiêng", người đàn ông 42 tuổi nói.

Gần trưa, khách đến chùa Ông đông đúc hơn. Do chùa hạn chế đốt nhang bên trong để tránh ngột ngạt, nên nhiều người dùng cành hoa thay nhang đèn.

Sau khi cúng lễ hết các điện, mọi người xin xăm trong chùa Ông với niềm tin sẽ nhận được sự che chở, phù hộ của các vị thần.

Như phần lớn các đền miếu của người Hoa, chùa Ông có kiến trúc tổng thể hình chữ khẩu. Công trình gồm các hạng mục như tiền điện, sân thiên tỉnh, nhà hương, chính điện và văn phòng hội quán dọc hai bên các điện thờ.

Với diện tích khoảng 4.000 m2, chùa là điểm tham quan thu hút du khách ở TP HCM. Năm 1993, công trình được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Quỳnh Trần