Đến nơi, người phụ nữ 55 tuổi ở quận Lê Chân thấy đã có cả trăm người trải chiếu, giấy báo, nilon nằm chờ trên vỉa hè. "Tôi cần 20 hộp bánh để đi biếu đối tác và họ hàng trong khi cửa hàng chỉ bán cho mỗi khách tối đa 12 chiếc (ba hộp) nên phải đưa cả nhà đi xếp hàng", chị Thủy nói. Người quen của chị cho biết họ chỉ thích bánh nướng nhân thập cẩm trứng muối của thương hiệu này.
Các năm trước chị thường nhờ người quen mua giúp nhưng năm nay cửa hàng thông báo chỉ bán lẻ với lý do không kịp sản xuất.
Ngồi cách chị Thủy hơn chục người, vợ chồng ông Phong Hiển (75 tuổi) ở quận Ngô Quyền cũng ra xếp hàng từ sớm mong đặt được vài cặp bánh nướng "chuẩn tại cửa hàng", gửi cho con cháu ở xa làm quà.
Cảnh hàng trăm người xếp hàng mua bánh trung thu trước cửa hàng trên phố Cầu Đất này hầu như năm nào cũng diễn ra nhưng đây là năm đầu tiên người mua bánh phải thức xuyên đêm chờ đến lượt. "Có người còn mang chiếu, gối trải trên vỉa hè để ngủ, ăn uống tại chỗ, nhìn khổ sở vô cùng", bà Hồng Lan (60 tuổi), nhà trên con phố này nói.
Theo bà, người Hải Phòng thường không quan trọng bánh của cửa hàng nào nhưng với người ngoại tỉnh, thương hiệu bánh này rất nổi tiếng, được coi là biểu tượng của bánh trung thu truyền thống nên đa số người mua để đi biếu, tặng.
"Đặc biệt những người thích loại bánh nhân cổ truyền, nhất định phải mua ở cửa hàng này nên lượng người mua năm nào cũng đông", bà Lan cho biết thêm.

Nhiều người xếp hàng chờ mua bánh Trung thu tại phố Cầu Đất từ nửa đêm, một số mang theo thảm để ngủ trên vỉa hè, rạng sáng 22/9. Ảnh: Liên Hàu
Nhưng không phải ai cũng có thời gian, điều kiện để xếp hàng từ nửa đêm. Một đội quân mua hộ đã xuất hiện.
Chị Bùi Liên, 45 tuổi, ở quận Ngô Quyền là một người làm việc này nên thường xuyên phải ra xếp hàng từ nửa đêm. "Nếu ra muộn, loại bánh muốn mua đều hết. Cứ cách 5-10 phút lại thêm 30-40 người đến chờ. Đằng nào cũng mất công đợi nên cứ ra sớm cho chắc", chị nói.
Những người làm dịch vụ mua hộ như chị Liên thường lấy công khoảng 40.000 - 80.000 đồng mỗi hộp bánh. "Bao nhiêu bánh cũng hết, nhiều khi khách đặt thêm mà không dám nhận", chị Liên nói. Chị đã phải huy động thêm hai, ba người thân cùng xếp hàng và quay vòng liên tục may ra mới đủ đáp ứng nhu cầu của khách.

Người dân xếp thành hai hàng trước cửa tiệm bánh Trung thu trên phố Cầu Đất, quận Ngô Quyền để lấy số thứ tự, rạng sáng 19/9. Ảnh: Liên Hàu
Một cán bộ công an (đề nghị không nêu tên) ở phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền cho biết từ đầu tháng 7 âm lịch đến trước rằm tháng 8, lượng người tìm đến phố Cầu Đất xếp hàng cả ngày lẫn đêm mua bánh trung thu tăng đột biến, một phần nguyên nhân đến từ việc cửa hàng giới hạn số lượng bán ra. Tình trạng xếp hàng, đỗ xe tràn lan khiến giao thông ùn tắc, buộc đơn vị buộc phải cắt cử người ra điều phối, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông.
"Ngày nắng nóng hay lúc mưa bão, cửa hàng này lúc nào cũng tập trung đông khách đến mua, có thời điểm lên đến hàng trăm người", vị cán bộ này nói.
Lý giải về việc đông người vẫn chọn mua bánh trung thu Đông Phương, anh Bạch Đức Tùng, đại diện cửa hàng cho rằng hầu hết khách hàng là những người mong muốn quay về giá trị cổ truyền, bánh Đông Phương giữ được hương vị đó cùng sự khác biệt dễ nhận ra nên giữ được niềm tin của mọi người.
Cũng theo anh Tùng, một phần nguyên nhân nữa là bánh của tiệm không sử dụng chất bảo quản, hạn sử dụng ngắn (bánh nướng 20 ngày, bánh dẻo 10 ngày), khách hàng không thể mua trước quá lâu, nên gần đến Trung thu lượng người mua tăng đột biến dẫn đến việc phải xếp hàng dài.
"Các tháng trong năm chúng tôi có bán qua kênh mạng xã hội nhưng từ tháng 8 âm lịch chỉ bán tại cửa hàng vì sợ bị quá hạn trong khâu vận chuyển", anh Tùng nói. Tới đây, cửa hàng sẽ nghiên cứu giải pháp bán qua kênh thương mại điện tử để tạo sự thuận tiện hơn cho khách.
PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia TP HCM, cho rằng người dân xếp hàng chờ đợi để mua bánh giống như sự hoài niệm về Tết Trung thu truyền thống, thể hiện tâm ý, sự kỳ công để có được một chiếc bánh hợp khẩu vị hoặc gửi tặng những người thân yêu.
"Sẽ có ý kiến cho rằng hành động xếp hàng chờ đợi là quá đà, phú quý sinh lễ nghĩa, nhưng bản thân người mua có thể coi đó là niềm vui khi bỏ công sức và thu về những giá trị xứng đáng. Bên cạnh đó, Trung thu mỗi năm chỉ có một lần, có cung ắt có cầu, miễn sao phù hợp với hoàn cảnh của từng người", ông Đức nói.
Quỳnh Nguyễn