Stefano Pozzebon đã chuyển tới đây 1,5 năm trước để đưa tin về cuộc khủng hoảng kinh tế tại đây, trong vai trò phóng viên tự do. Pozzebon biết mọi chuyện rất tồi tệ, nhưng không tưởng tượng được ngày nào cũng phải chật vật thế này, dù là với những việc đơn giản nhất. Trên CNN, anh đã kể lại trải nghiệm khi rút tiền tại đây.
Khi Venezuela chìm trong khủng hoảng, giá cả bắt đầu tăng vọt và đồng bolivar gần như chẳng còn giá trị. Siêu thị và các ngân hàng lúc nào cũng có cảnh tượng hỗn loạn. Người dân luôn thắc mắc: Liệu hôm nay có mở cửa không? Có tiền hay thức ăn không? Mình sẽ lấy được bao nhiêu? Lạm phát thì quá cao. Có người nói năm ngoái lên hơn 4.000% rồi. Thế nên thu nhập của người dân cũng chẳng còn là bao.
Khi tôi viết bài này, một đôla Mỹ đổi được 191.000 bolivar, theo tỷ giá chợ đen mà ai cũng dùng. Nhưng cách đó một năm thôi, con số này còn là 3.100 bolivar. Đồng tiền này mất giá từng ngày từng giờ.
Giới chức ngân hàng Venezuela hàng tháng đều thông báo cho các nhà băng, về việc khách hàng rằng được rút bao nhiêu mỗi lần. Tuy nhiên, con số này lại không được công khai. Khi đồng tiền ngày một mất giá, các nhà băng cũng trở nên hỗn loạn. Khách hàng chờ hàng dài bên ngoài. Một số ngân hàng thì không trả tiền mặt và chỉ cho phép các giao dịch điện tử.
Tôi đã thử rút đủ số bolivar để đổi được một đôla. Nhưng đã thất bại. Tôi đến ngân hàng đầu tiên lúc 9h30 sáng. Hàng chục người đã ở đó xếp hàng rồi. Họ đợi rút tiền như người Mỹ xếp hàng mua xổ số khi jackpot lên kỷ lục vậy.
Bên trong, 5 ATM bị bỏ không - dấu hiệu cho thấy chúng đã hết tiền. Lựa chọn duy nhất là ra quầy. Tôi đếm được 21 người đang chờ và chỉ có 1 nhân viên làm việc. “Ai cũng phải đợi ít nhất một giờ”, người đàn ông đứng trước nói ngay khi tôi vừa đến.
Thế là tôi quyết định sang chỗ khác. Ngân hàng thứ 2 cách đó vài tòa nhà, đi bộ một lát là tới. Đây chính là điều xa xỉ ở thủ đô Caracas. Vì ở nông thôn Venezuela, tiền mặt luôn là thứ tất yếu, nhưng các ngân hàng lại cách nhau rất xa.
Tại đây, các ATM cũng đã hết tiền. Nhưng trong hàng chỉ có 10 người. Vì thế, tôi quyết định xếp hàng. Người đứng ngay cạnh tôi - Gustavo Vasquez cho biết ông chỉ cần 30.000 bolivar (18 cent) để mua túi đồ hỗ trợ, gồm một gói thức ăn và đồ dùng trong nhà vệ sinh mà Chính phủ cung cấp cho người nghèo mỗi tháng với giá ưu đãi. Gần đây, những chiếc túi này ngày càng bé lại, hoặc bị cấp muộn hơn, khi thêm nhiều người rơi vào cảnh nghèo khó, còn Chính phủ cũng cạn tiền nhập khẩu hàng hóa thiết yếu.
Vasquez cũng từng có công việc ổn định và cuộc sống về hưu an nhàn. Tuy nhiên, lạm phát đã khiến mọi chuyện đảo lộn. Vì thế, các chương trình hỗ trợ của chính phủ giờ là phao cứu sinh cho ông cùng cả gia đình.
Nhiều người chỉ trích cho rằng những chương trình này là vũ khí chính trị mà Tổng thống Venezuela - Nicolas Maduro sử dụng để giành phiếu bầu của người dân. Tuy vậy, Vasquez không quan tâm. Ông chỉ cần có tiền để mua đồ dùng thiết yếu.
“Ở đây, họ chỉ cho anh rút 5.000 mỗi ngày. Tôi phải làm gì bây giờ? Mở 6 tài khoản ở 6 ngân hàng à? Thật ngớ ngẩn”, ông than thở. Khi đến lượt tôi, nhân viên ngân hàng lại nói tôi phải trình ra một tấm séc để rút tiền. Cô ấy không cho dùng thẻ ghi nợ. Quá bực mình, tôi bỏ đi.
Dù vậy, sau khi ghé qua 2 ngân hàng nữa, tôi quyết định đầu hàng và về nhà lấy sổ séc. Đến trưa, tôi quay lại nhà băng đầu tiên, chờ thêm 2 giờ nữa. Xung quanh, mọi người đều khá yên lặng và bình tĩnh, như thể chẳng còn cách nào khác ngoài chấp nhận.
Đến 1h23 chiều, tôi cuối cùng cũng chìa được séc ra và lấy 10.000 bolivar, tương đương 6 cent. Nhân viên ngân hàng nói rằng cứ mỗi sáng, họ sẽ được giám đốc thông báo mỗi người có thể rút bao nhiêu, tùy theo số tiền họ được Ngân hàng Trung ương Venezuela cung cấp. Vì thế, có ngân hàng cho phép rút 5.000, 10.000 hoặc thậm chí 30.000 bolivar, tùy từng ngày. Nó thực sự là một canh bạc
Với 10.000 bolivar có được sau 4 giờ, tôi hẹn gặp một người bạn ở quán cà phê. Và cốc cappuccino tôi gọi hôm đó có giá 35.000 bolivar.
Hà Thu (theo CNN)