Vấn đề này được GS Nguyễn Tiến Thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, nêu tại hội thảo lấy ý kiến xây dựng dự án Luật Giáo dục đại học sửa đổi, sáng 15/5.
Ông cho hay năm 2024, khi tổng kết thi hành Luật Giáo dục đại học, Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Quốc hội đã đề nghị Bộ xem xét, sửa đổi luật về sự tồn tại song song của hội đồng trường đại học thành viên và hội đồng đại học quốc gia. Ông Thảo không nêu chi tiết lý do việc này.
Hiện, quyền tự chủ của đại học quốc gia và các trường thành viên là như nhau. Để có cơ sở xem xét điều chỉnh, ban soạn thảo đề nghị các đại học quốc gia, vùng tổ chức hội nghị nội bộ, thống nhất và đề xuất phương án.
GS Thảo cho biết hướng đặt ra là hai hội đồng cùng tồn tại như hiện nay hoặc phải giảm vai trò của một trong hai.

PGS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, tại hội thảo, 15/5. Ảnh: ULAW
Không nêu rõ đề xuất, song theo PGS.TS Huỳnh Kỳ Phương Hạ, Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM, hội đồng trường là thành phần rất quan trọng để thực hiện quyền tự chủ của các trường thành viên trong đại học quốc gia, vùng. Đơn vị này ra quyết định và chịu trách nhiệm giải trình với xã hội về các vấn đề của trường.
Cũng liên quan mô hình đại học hai cấp, ông đề nghị thống nhất định nghĩa về cơ sở giáo dục đại học theo thông lệ quốc tế. Theo ông, Luật cần bổ sung trường đại học thành viên trong khái niệm về cơ sở giáo dục đại học. Lý do là các trường này đã thực hiện đầy đủ chức năng của một cơ sở giáo dục, gồm đào tạo, triển khai chương trình, cấp bằng và cần được thực hiện tất cả trách nhiệm và quyền hạn về tự chủ.
GS Nguyễn Tiến Thảo nhìn nhận lâu nay hệ thống quản lý vẫn xem các trường thành viên trong đại học quốc gia là một cơ sở giáo dục đại học. Các trường được mở chương trình, ngành đào tạo và các quyền khác, không có rào cản nào.

PGS.TS Huỳnh Kỳ Phương Hạ, Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa TP HCM, nêu ý kiến tại hội thảo, ngày 15/5. Ảnh: ULAW
Mô hình đại học hai cấp, gồm hai đại học quốc gia và ba đại học vùng (Huế, Đà Nẵng, Thái Nguyên) nhiều lần gây tranh cãi. 5 cơ sở này có các trường đại học thành viên trực thuộc với đầy đủ cơ cấu, tổ chức, có tư cách pháp nhân như một trường đại học thông thường.
Trong khi trên thế giới, các đại học cũng gồm nhiều trường, nhưng nhóm này thường tập trung chuyên môn, còn công tác nhân sự, hành chính... đều quy về một mối. 5 đại học mới thành lập (Bách khoa, Kinh tế Quốc dân, Kinh tế TP HCM, Phenikaa, Duy Tân) hiện theo mô hình này.
Hôm qua, tại hội thảo xây dựng dự thảo Luật ở Hà Nội, ông Bùi Xuân Hải, Hiệu trưởng trường Đại học Hải Phòng, cho rằng mô hình hai cấp khiến các trường thành viên rơi vào cảnh "một cổ hai tròng", vừa chịu sự quản trị của cả đại học và cơ quan nhà nước. Điều này trái với nguyên tắc tự chủ đại học. Ông đề nghị chỉ nên phát triển trường trong đại học, theo tên gọi quốc tế là "school", chứ không nên để như hiện nay.
Tại báo cáo về tác động của Luật Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhìn nhận mô hình đại học hai cấp gây khó khăn, phức tạp và rủi ro trong tổ chức và quản lý, nhất là khi thực hiện cơ chế tự chủ.
Trong Luật Giáo dục đại học 2018, khái niệm đại học và trường đại học khác nhau. Trường đại học, học viện là cơ sở đào tạo và nghiên cứu nhiều ngành. Còn đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, gồm các trường đại học, khoa thành viên.
Lệ Nguyễn