Sáng 21/2, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, lý giải cho phương án trên, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết đa số địa phương muốn cho học sinh, sinh viên đi học trở lại vào đầu tháng 3 sau một tháng nghỉ phòng dịch, riêng TP HCM đề nghị nghỉ hết tháng3.
Thời gian qua, các trường học đã tiến hành nhiều biện pháp phòng dịch, tiêu độc khử trùng trường lớp nhiều lần. Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đã xây dựng quy trình kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo người học đến trường an toàn. "Theo quy định, chỉ địa phương có dịch mới được cho học sinh nghỉ học. Nếu tiếp tục nghỉ kéo dài, việc thực hiện chương trình sẽ rất khó khăn", ông Độ nói.
Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng chỉ ra thực tế nhiều nước có ca nhiễm nCoV như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... học sinh, sinh viên vẫn đi học bình thường. Trong trường, người học, người dạy không phải đeo khẩu trang.
Tại Trung Quốc, trừ thủ đô Bắc Kinh, tỉnh Hồ Bắc, Cát Lâm, Thiên Tân chưa cho học sinh, sinh viên đi học trở lại, các địa phương khác đều tổ chức cho học sinh đi học trở lại vào đầu tháng 3. Để đảm bảo an toàn, các trường học thực hiện tiêu độc khử trùng, rà soát trường hợp nghi ngờ, khuyến cáo giáo viên, học sinh rửa tay bằng xà phòng, hạn chế hoạt động ngoại khóa, tập trung đông người...
Theo ông Dũng, WHO và một số tổ chức quốc tế, ngoại giao đoàn đã khuyến nghị "với tình hình dịch bệnh hiện tại, đã đến lúc Việt Nam xem xét thời điểm cho học sinh, sinh viên đi học trở lại".
PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, nhận định sắp tới có thể xuất hiện ca bệnh mới. Tuy nhiên, thời tiết đang dần ấm lên, độc lực virus corona đã giảm nên Việt Nam có thể "nhanh chóng phát hiện, khoanh vùng, dập dịch tại chỗ, đảm bảo môi trường dịch tễ an toàn cho hoạt động kinh tế, xã hội".
Tại Hội nghị báo cáo viên do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng 21/2, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định "hiện nay Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh". Hàng loạt giải pháp "chưa từng có tiền lệ" đã được áp dụng, cho hiệu quả cao.
Theo ông Long, địa phương không có dịch cần có giải pháp an dân, để học sinh trở lại trường học. Riêng vùng nào có dịch thì tiếp tục cho học sinh nghỉ đến khi nào hết dịch nhằm đảm bảo hiệu quả phòng chống lây nhiễm.
Hiện hầu hết địa phương cho học sinh nghỉ học hết tháng 2, đi học trở lại vào đầu tháng 3. Riêng TP HCM ngày 20/2 gửi văn bản tới Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo kiến nghị cho học sinh cả nước nghỉ học hết tháng 3, học kỳ II từ tháng 4 đến tháng 7, kỳ thi THPT quốc gia diễn ra cuối tháng 7, chậm hơn một tháng so với năm 2019.
Đề xuất của TP HCM gây phản ứng trái chiều. Trong khi ý kiến phụ huynh phân tán thì nhiều lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng "chưa cần thiết" nghỉ hết tháng 3. Bởi 15 trong tổng số 16 bệnh nhân nhiễm nCoV đã xuất viện. Một tuần qua Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp lây nhiễm nCoV.
Năm học 2019-2020, cả nước có hơn 24 triệu học sinh, sinh viên. Hà Nội và TP HCM có số học sinh đông nhất, khoảng 2 triệu. Những năm gần đây, có khoảng 800.000-900.000 học sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia mỗi năm.