Ngày 7/10, BS.CK1 Lý Phạm Hoàng Vinh, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết êkíp dùng kềm tháo gỡ từng phần của móc câu, nhằm lấy được dị vật theo chiều của ngạnh sắc nhọn, tránh làm tổn thương các cấu trúc trước tai.
Vị trí trước tai có nhiều cấu trúc quan trọng như dây thần kinh số 7, động mạch thái dương nông, tuyến mang tai... Do đó, việc lấy dị vật sắc nhọn và có ngạnh như móc câu có nguy cơ tổn thương mô, liệt mặt do đứt dây thần kinh 7 hay chảy máu.
"Trường hợp bị quăng trúng móc câu đâm sâu khu vực này khá hy hữu", bác sĩ nói.
Sau khi lấy được hai móc câu, khâu vết thương, sức khỏe của bé đã ổn, không bị chảy máu hay liệt mặt như lo ngại. Trẻ được điều trị thuốc tránh nhiễm trùng và tư vấn chích ngừa uốn ván.
Bác sĩ khuyến cáo người nhà lưu ý không cho trẻ đứng gần vị trí câu cá để tránh những tai nạn như trên. Khi bị vật lạ đâm trúng, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ, lưu ý phòng ngừa nhiễm trùng vết thương và chích ngừa uốn ván.
Lê Phương