Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 của Bộ Giao thông Vận tải sáng 18/1, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, thời gian qua, loại hình xe hợp đồng dưới 9 chỗ như Uber, Grab đã phát triển rất mạnh mẽ tại Hà Nội và TP HCM, mang lại nhiều lợi ích cho hành khách đồng thời thúc đẩy taxi truyền thống phải tự đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
Tuy nhiên, loại hình Uber, Grab vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập. Trong khi chờ sửa đổi Nghị định 86 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, Sở Giao thông Hà Nội đã tham mưu cho UBND TP Hà Nội xây dựng quy chế quản lý taxi. Cụ thể sẽ yêu cầu đơn vị cung cấp phần mềm Uber, Grab phải công khai với hành khách và cơ quan nhà nước mức giá xe sàn, trần vào lúc cao điểm, hay thấp điểm. Do thời gian qua có nhiều phản ánh của hành khách về xe hợp đồng đã cộng thêm các loại phí không minh bạch.
"Nếu không công khai minh bạch, hành khách sẽ có cảm giác bị 'ép giá' nên các công ty công nghệ sẽ phải đăng ký mức giá cước với cơ quan quản lý nhà nước", ông Viện nói.
Ngoài ra, từ ngày 11/1, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tổ chức cắm biển hạn chế xe Uber, Grab vào một số tuyến phố, đảm bảo công bằng giữa hoạt động của Uber, Grab và taxi truyền thống cũng như góp phần giảm ùn tắc giao thông. Sở cũng làm việc với đơn vị công nghệ như Uber, Grab để không điều xe hợp đồng trên các tuyến phố này.
Theo ông Viện, một số tuyến phố đã thông thoáng hơn sau lệnh cấm này. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý các xe hợp đồng khó thực hiện vì các xe này chưa có phù hiệu nhận biết xe hợp đồng.
"Quy định cấm xe Uber, Grab trên một số tuyến phố để tăng cường nhận thức cho lái xe nhằm giảm ùn tắc giao thông. Chúng tôi đã kiến nghị sửa đổi nghị định 86 có quy định gắn phù hiệu cho xe hợp đồng để các cơ quan chức năng phát hiện những xe vi phạm", Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nói.
Theo ông Viện, đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn 2030” của Hà Nội đã là xác định xe kinh doanh vận tải hành khách đến 9 chỗ ngồi ứng dụng công nghệ thông tin như Uber, Grab hoạt động tương tự xe taxi, nên sẽ được quản lý như xe taxi về số lượng, chất lượng và phạm vi hoạt động.
Tại Hà Nội, Uber và Grab có khoảng 25.000 xe dưới 9 chỗ ngồi tham gia hoạt động vận tải theo hợp đồng điện tử. Trong khi đó, có 19.265 xe taxi truyền thống đã được cấp phép hoạt động trên địa bàn thành phố, bằng khoảng 77% số lượng xe tham gia mạng lưới của Uber và Grab.