Xe thăng bằng có hình dáng giống xe đạp với khung, phuộc, tay lái, bánh xe..., nhưng không có hệ thống truyền động (bàn đạp, xích, líp). Để tiến lên, trẻ cần dùng chân đẩy trên mặt đất. Khi đó, trẻ sẽ phát triển khả năng giữ thăng bằng và phối hợp, trước khi chuyển sang xe có bàn đạp.
Thông thường, xe thăng bằng dành cho trẻ đã biết đi và có kỹ năng vận động khá (từ 18 tháng đến 7 tuổi). Do không có bộ truyền động, chúng gần với mặt đất hơn và nhẹ hơn xe đạp trẻ em thông thường. Điều này giúp trẻ điều khiển xe dễ dàng hơn.
Xe thăng bằng mang đến sự độc lập cho trẻ sớm hơn xe đạp ba bánh. Chúng còn rất đơn giản, không có nhiều bộ phận nên trẻ có thể tập và làm quen nhanh chóng. Sau một thời gian, trẻ sẽ làm chủ được chiếc xe và tăng tốc cũng như biết cách vượt qua các chướng ngại vật. Khi biết giữ thăng bằng, trẻ đã sẵn sàng để chuyển sang xe hai bánh có bàn đạp.
So với xe đạp thông thường, yên xe thăng bằng thấp hơn, giúp trẻ có cảm giác an tâm hơn. Để so sánh, chiều cao thấp nhất của yên xe thăng bằng là 25,4cm, còn xe ba/bốn bánh thường là 43,18cm. Trẻ không thể đạp xe thoải mái trước 3 tuổi nhưng có thể khám phá xe thăng bằng ngay từ 18 tháng.
Một lợi thế khác của xe thăng bằng là khả năng di chuyển trên mặt phẳng lẫn gồ ghề. Nếu dùng xe ba/bốn bánh, chúng có thể bị lật hoặc ngã nhào, tốc độ cũng rất chậm. Thực tế, cho trẻ đi xe ba/bốn bánh giống như dạy trẻ tập đi bằng nạng rồi lại bỏ nạng đi. Nó sẽ cản trở mong muốn khám phá của trẻ.
Bên cạnh đó, xe thăng bằng thường khá nhẹ và không cồng kềnh nên trẻ có thể tự mình mang vác, trong khi xe đạp thông thường nặng hơn (khoảng gần 7kg), là một thách thức không nhỏ dành cho trẻ.
Xe thăng bằng có tốt cho trẻ mới biết đi không? Câu trả lời là có. Xe thăng bằng giúp trẻ phát triển kỹ năng phối hợp và vận động của trẻ, đồng thời mang lại tính độc lập và tự do khám phá. Khi trẻ tiến bộ, trẻ sẽ tự tin hơn.
Xe vốn không có phanh, song bạn có thể lắp phanh tay trước/sau hoặc cả hai phanh nếu muốn trẻ dừng xe an toàn. Bạn nên đặt yên xe sao cho chân trẻ chạm được xuống mặt đất. Các loại xe thăng bằng ngày nay đều có thể điều chỉnh yên xe tiện lợi.
Khi chọn xe thăng bằng cho trẻ, phụ huynh nên lưu ý đến kích cỡ cũng như trọng lượng. Thông thường, khung xe thăng bằng làm từ hợp kim nhôm, thép, gỗ hoặc nhựa. Vật liệu tốt nhất là hợp kim nhôm vì chống gỉ và nhẹ hơn nhiều so với thép. Về giá bán, một chiếc xe thăng bằng đắt tiền sẽ nhẹ hơn và bền hơn nhiều so với chiếc rẻ hơn, dùng linh kiện tốt hơn. Do đó, nó cũng có tính kinh tế cao hơn nếu bạn có ý định bán lại khi con lớn và không sử dụng nữa.
Nhìn chung, mục đích chủ yếu của xe thăng bằng – đúng như tên gọi của nó – là dạy trẻ cách cân bằng khi ngồi và chuyển động. Đây là phần khó nhất của việc học đạp xe. Bánh xe thứ ba/thứ tư sẽ ngăn cản nỗ lực cân bằng của trẻ, do đó, nhiều trẻ có tâm lý hoảng sợ khi tháo bánh phụ. Đạp xe chỉ thực sự dễ dàng một khi trẻ biết cách cân bằng và đánh lái.
Nam Phương